Doanh nghiệp - Doanh nhân

Dư cung ngành xi măng khó càng thêm khó

Trang Nhi 23/08/2023 08:34

Tình trạng dư cung xi măng đã diễn ra trong nhiều năm nay khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Bộ Xây dựng cho biết, sản lượng xi măng trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 39 triệu tấn giảm 7% so với cùng kỳ. Tiêu thụ khoảng 43 triệu tấn giảm 10%, trong đó, tiêu thụ nội địa là 29 triệu tấn giảm 8%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker (xi măng dạng thô) khoảng 15 triệu tấn giảm 15% so với cùng kỳ.

nganh-xi-mang.jpg
Ngành xi măng khó càng thêm khó do dư cung

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năng lực sản xuất xi măng năm 2023 của nước ta đạt hơn 120 triệu tấn (nếu điều chỉnh tỷ lệ phụ gia thì khả năng sản xuất sẽ lên tới 140 triệu tấn) trong khi tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn.

Có một thực tế là tình trạng dư cung xi măng đã diễn ra trong thời gian dài, nhất là những năm gần đây khi nhu cầu xây dựng giảm sút, xuất khẩu gặp khó và giải ngân đầu tư công diễn ra còn chậm.

Trong quý II, các doanh nghiệp xi măng trên sàn chứng khoán đều ghi nhận doanh thu suy giảm so với cùng kỳ. 3 công ty có lợi nhuận đi lùi và 4 doanh nghiệp báo lỗ.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) giảm 57% so với cùng kỳ; CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) báo lỗ 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 58 tỷ đồng; CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã: BTS) cũng báo lỗ 17 tỷ đồng...

Trong báo cáo về ngành xi măng hồi tháng 4, Chứng khoán KIS chỉ ra, từ năm 2010, thị trường trong nước bắt đầu rơi vào tình trạng cung vượt cầu do Quyết định số 108/2005/QĐ-TTG khuyến khích thành lập mới các nhà máy sản xuất xi măng. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ trong nước chỉ chiếm khoảng 70% và thấp hơn tổng công suất thiết kế.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), vào năm 2022, công suất thiết kế xi măng toàn ngành khoảng 111 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 63 triệu tấn. Trong thời gian tới, tình trạng dư cung này có thể trầm trọng hơn khi các doanh nghiệp cải tiến công nghệ và áp dụng quy định mới về tỷ lệ phối trộn phụ gia.

Trước áp lực về cung - cầu, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước bắt buộc phải tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể, nguyên nhân là do Trung Quốc giảm nhập khẩu trước tác động của công tác phòng chống dịch, thị trường bất động sản tiếp tục tạo đáy khiến nhu cầu xi măng sụt giảm nhanh.

Bên cạnh đó, việc Nhà nước siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản đã khiến thị trường này rơi vào trầm lắng. Trong khi đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than vẫn duy trì ở mức cao khiến các doanh nghiệp gặp khó.

Thậm chí, lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) từng cho rằng, những quý đầu năm 2023 là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Do đó, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng hiện tại là, hệ thống đường cao tốc khởi động để có cơ hội đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa, bởi kênh xuất khẩu hiện đang rất khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư cung ngành xi măng khó càng thêm khó