Giao thông

Ngành hàng không thiếu máy bay, giá vé sẽ khan hiếm và đắt đỏ kéo dài

Hà Kim 02/04/2024 - 09:45

Ngành hàng không đang phải đối mặt với việc thiếu máy bay, kéo theo nguy cơ giá vé tăng cao trong dịp cao điểm hè sắp tới.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II của Bộ GTVT chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không tăng cường kiểm tra các hãng về giá vé máy bay, việc bảo đảm duy trì tàu bay do ảnh hưởng của việc triệu hồi, bảo dưỡng động cơ máy bay.

Từ tháng 9/2023, nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc phải triệu hồi động cơ PW1100 trên các máy bay Airbus A321Neo để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Trên phạm vi toàn thế giới, ước tính có khoảng 600 - 700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay bị ảnh hưởng.

Tại Việt Nam, việc nhà sản xuất PW yêu cầu triệu hồi một số máy bay A321Neo của Vietnam Airlines và Vietjet đang khai thác đã khiến ngành hàng không rơi vào tình trạng thiếu hụt đội máy bay khá trầm trọng.

Tính đến nay có 22 tàu bay của các hãng đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa. Trong năm nay, 42 tàu bay của hai hãng sẽ phải dừng toàn bộ. Động cơ tháo đi bảo dưỡng, thay thế trung bình 18 tháng sau khi tháo khỏi máy bay.

Dự báo đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới khan hiếm và đắt đỏ hơn. Tính đến hết ngày 31/3, đội bay của Việt Nam có 205 máy bay; đang khai thác 159 máy bay, 20 máy bay đang bảo dưỡng thiết bị định kỳ và 26 máy bay phải tháo động cơ để kiểm tra, sửa chữa theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ. Từ nay đến cuối năm, toàn bộ 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.

ve-may-bay(1).png
Ngành hàng không thiếu máy bay, giá vé sẽ khan hiếm và đắt đỏ kéo dài

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ: “Thực tế, chi phí đầu vào đang rất cao nhưng giá vé còn chưa chạm trần, đây là sự chia sẻ của các hãng hàng không. Song để đảm bảo phát triển dài hạn, các hãng hàng không cần nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ, kéo giảm chi phí mỗi chuyến bay để các hãng có điều kiện hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi của người dân.”

Dự báo, phải đến hết năm 2026, thậm chí sang đầu năm 2027, động cơ bị lỗi của các hãng hàng không Việt Nam mới hoàn thành việc khắc phục và trở lại hoạt động bình thường. Các yếu tố trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024 và 2025. Theo tính toán, dịp cao điểm hè này, tổng tải thị trường cần khoảng 24 triệu ghế.

Để xử lý tình trạng thiếu hụt và đáp ứng nhu cầu thị trường, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay. Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại các quy trình để giảm thời gian quay đầu máy bay tại sân bay (cố gắng từ 45 xuống còn 35 phút), tăng thời gian bay đêm và đưa máy bay thân rộng vào khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành hàng không thiếu máy bay, giá vé sẽ khan hiếm và đắt đỏ kéo dài