Ngành công nghiệp mũi nhọn, loay hoay tìm đến bao giờ?

Nga Phạm| 23/10/2015 06:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi các nước châu Á khác thường tập trung vào những ngành công nghiệp chủ đạo thì Việt Nam lại là một trường hợp khá đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá.

Hàng chục năm nay, chúng ta vẫn đang tranh cãi về việc: Đâu là ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên?

Việt Nam vẫn loay hoay chưa biết chọn ngành nào

Công nghiệp mũi nhọn được định nghĩa là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, là ngành tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia.

Từ cuối năm 2004, trong hội thảo về “Tăng cường năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội, khi bàn về công nghiệp mũi nhọn, chuyên gia Nhật bản, Giáo sư Kenichi đã phát biểu: “Tôi nhớ cách đây 10 năm, Việt Nam đã tranh cãi về vấn đề này. Vậy nhưng 10 năm sau chúng ta vẫn chỉ tiếp tục tranh cãi. Đã đến lúc cần đưa ra những quyết định những chính sách và cách thức điều hành hiệu quả”.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển .

Bàn về chiến lược triển phát công nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, Bộ Công thương đã cho xây dựng và hoàn thiện 6 ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông), cơ khí luyện kim (đóng tàu, máy nông nghiệp, CN ôtô), dệt may, năng lượng (thăm dò khai thác dầu khí xa bờ, khai thác than đồng bằng sông Hồng, thiết bị tiết kiệm năng lượng), hóa chất (lọc hóa dầu, nhựa), chế biến nông lâm sản thực phẩm.

Ngành công nghiệp mũi nhọn, loay hoay tìm đến bao giờ?

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa xác định được ngành công nghiệp mũi nhọn

Mục tiêu Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 là cơ bản trở thành nước công nghiệp với giá trị công nghiệp chiếm khoảng 40-41% tỷ trọng trong GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Muốn đạt được mục tiêu này thì công nghiệp mũi nhọn đương nhiên cần được tập trung phát triển. Tuy nhiên, chỉ còn 5 năm nữa để thực hiện kế hoạch trên, nhưng đến nay chúng ta vẫn loay hoay lựa chọn các ngành công nghiệp mũi nhọn. Trên thực tế, nhiều ngành công nghiệp chúng ta cho là “mũi nhọn”  nhưng vẫn loay hoay tìm hướng đi.

Công nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi tích cực

Các ngành công nghiệp nói trên của Việt Nam hầu hết đều không có thiết kế riêng, không nhận được chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ thiếu và yếu, trình độ người lao động yếu và thiếu... các chính sách phát triển thì chung chung, thiếu cụ thể nên không mang lại hiệu quả. Trong số đó, có nhiều ngành công nghiệp như ôtô, luyện kim, điện tử đang là gánh nặng bởi nhập siêu lớn.

Công nghiệp cơ khí còn kém phát triển, ngành công nghiệp ôtô cho đến nay vẫn phải dựa dẫm quá nhiều vào chính sách thuế của Nhà nước và sự bảo hộ để phát triển. Sau nhiều năm, tỷ lệ nội địa hóa của ngành ôtô vẫn quá thấp, những chỉ tiêu về sản xuất động cơ các loại, hộp số… là những tiêu chí quan trọng của ngành công nghiệp ôtô đều là con số không.

Phía Việt Nam muốn đưa công nghiệp ôtô là ngành mũi nhọn bởi nó có tương lai hơn. Sở dĩ Việt Nam hay bất kỳ các nước nào đang phát triển cũng muốn chọn ngành công nghiệp ôtô bởi vì ngành ôtô là đặc trưng cho các nước công nghiệp. Các phân tích cho thấy, chỉ cần ngành công nghiệp ôtô phát triển cũng đã là động lực cho rất nhiều ngành kinh tế khác như điện tử (hiện chiếm 30% giá trị trong xe ôtô), thép (cũng chiếm giá trị khoảng 30% trong xe ôtô), công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy... Công nghiệp ôtô phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sự phát triển kinh tế của quốc gia đông dân như Việt Nam.

Song, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng, chúng ta đã từng lựa chọn ôtô vào công nghiệp mũi nhọn nhưng thực tế thì 5 năm qua, nó không có cơ hội phát triển. Chính lối đi quá tham vọng và không thiết thực nên ngành này đã không thể thành công ở Việt Nam.

Lý do là công nghiệp ôtô Việt Nam hiện vẫn chỉ ở giai đoạn lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, không được chuyển giao công nghệ, trong khi đó, thị trường ngày càng thu hẹp do các chính sách hạn chế tiêu dùng xe cá nhân. Nhiều doanh nghiệp ôtô cho rằng, chi phí sản xuất ngày càng tăng, thị trường thu hẹp khiến sản xuất gặp khó khăn. Đó còn chưa kể các chính sách với ngành công nghiệp này hết sức mâu thuẫn và chung chung, dẫn đến không khuyến khích các DN nước ngoài đẩy mạnh đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ.

Theo các chuyên gia, để có thể xác định được các ngành mũi nhọn, cần phải dựa trên cơ sở phân tích thực trạng nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Đó phải là những ngành có thế mạnh chỉ riêng có của Việt Nam mà các nước khác không có.

Công nghiệp mũi nhọn chưa xác định được thì những vấn đề quan trọng hơn, đó là đề ra các chính sách và thực hiện nó như thế nào để thành công, không biết đến bao giờ mới có được? Chìa khóa để có thể phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn thành công chính là ở việc xây dựng và thực thi các chính sách chứ không phải chỉ lựa chọn được ngành công nghiệp mũi nhọn.

Có vẻ như Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để đưa ra những hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu công nghiệp hóa đã đề ra. Nếu như không có các sáng kiến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và các chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước thì trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục bị kìm hãm. Vấn đề được đặt ra vẫn là câu hỏi lớn: Ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam loay hoay cho đến bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành công nghiệp mũi nhọn, loay hoay tìm đến bao giờ?