Kinh tế

Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" trong Quy định chống phá rừng của EU

Minh Lý 23/05/2025 - 19:13

Ngày 23/5, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kết quả phân loại rủi ro quốc gia theo Quy định chống phá rừng (EUDR). Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" – Đây là tin vui cho những doanh nghiệp xuất khẩu trong các lĩnh vực sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su và đồ gỗ.

Việc được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, dầu cọ và thịt bò sang EU sẽ chỉ phải chịu tỷ lệ kiểm tra 1%, thấp hơn so với mức 3% và 9% áp dụng cho các nước thuộc nhóm "rủi ro tiêu chuẩn" và "rủi ro cao".

Đại diện Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, việc Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" là kết quả tích cực từ nỗ lực hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại (VPA/FLEGT), cũng như các hoạt động phối hợp về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

ket-qua-xep-loai-eudr-la-tin-vui-voi-mat-hang-cao-su-o-viet-nam-anh-minh-hoa-..png
Kết quả xếp loại EUDR là tin vui với mặt hàng cao su xuất khẩu ở Việt Nam (Ảnh minh họa).

Theo phân loại của EC, chỉ có bốn quốc gia bị xếp vào nhóm "rủi ro cao" là Belarus, Myanmar, Triều Tiên và Nga. Các quốc gia như Brazil và Indonesia được xếp vào nhóm "rủi ro tiêu chuẩn".

Trong khu vực ASEAN, ngoài Việt Nam, một số quốc gia như Philippines, Thái Lan, Lào, Singapore và Brunei cũng được xếp loại “rủi ro thấp”.

Ngược lại, Indonesia và Malaysia (hai nước đang đàm phán thỏa thuận thương mại với EU) bị xếp vào nhóm “rủi ro tiêu chuẩn”, đồng nghĩa với việc phải tuân thủ các yêu cầu khắt khe hơn trong quy trình xuất khẩu hàng hóa chịu sự điều chỉnh của EUDR.

Quy định EUDR, dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2025, nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu vào EU các sản phẩm liên quan đến phá rừng. Quy định này áp dụng đối với bảy mặt hàng chính gồm: Gỗ, ca cao, cà phê, đậu nành, dầu cọ, cao su và thịt bò, cùng các sản phẩm chế biến từ chúng như đồ nội thất, sôcôla và da thuộc.

Việc Việt Nam được xếp loại "rủi ro thấp" không chỉ giúp giảm gánh nặng tuân thủ cho các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ rừng và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp" trong Quy định chống phá rừng của EU