Hơn chục ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm với mức giảm từ 0,1 - 0,7% kỳ hạn 12 tháng trong nửa tháng qua, đưa mặt bằng lãi suất chung về dưới 9%.
Trong vài tuần qua, lãi suất huy động đã nhanh chóng sụt giảm từ 1 - 2%/năm. Những đơn vị giảm lãi suất gồm: VPBank, VIB, Sacombank, SHB, HDBank, Viet Capital Bank, NCB, Kienlongbank, DongABank, Saigonbank, VietABank, Oceanbank, PVCombank, VietBank, PGBank.
Hiện chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất trên 9%/năm gồm ABBank (9,1%/năm) và SCB (9%/năm).
Tuy nhiên, lãi suất thực tế khi giao dịch tại quầy vẫn có sự khác biệt so với niêm yết. Một số ngân hàng vẫn sẵn sàng trả lãi suất 9,5%/năm mà không yêu cầu số tiền gửi lớn, với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng.
Tại HDBank, khoản tiền vài trăm triệu kỳ hạn 6, 9, 12 tháng được trả lãi suất 9,5% một năm - cao hơn 2% so với niêm yết. Tại OCB, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 13 tháng cũng 9,4% một năm, cao hơn 0,5 - 0,6% so với niêm yết tại quầy. Tại Kienlongbank, khách gửi tiền được tặng tiền mặt tương ứng lãi suất cộng thêm 0,4% so với niêm yết.
Ở nhóm Big4 (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank), lãi suất huy động đã xuống rất thấp, theo đó lãi suất các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng chỉ từ 4,9 - 5,4%/năm. Với kỳ hạn 6 - 9 tháng, lãi suất chỉ khoảng 5,8%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất chỉ còn 7,2%/năm.
Nếu so với giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, khi có thời điểm lãi suất lên tới 12% một năm, thì lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất những ngày gần đây cũng giảm khá mạnh do thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm còn khoảng 1,14%/năm; 1 - 2 tuần còn khoảng 1,5 - 2,4%/năm, 1 tháng còn 4,4%/năm, 3 tháng còn 6,74%/năm, 6 tháng còn 8,1%/năm.
Các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động sau động thái giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước từ 0,5 - 1%/năm vào giữa tháng 3 vừa qua.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (ở mức 5,5%/năm) của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh.