Khi NATO cố “kiềm chế” Nga bằng các động thái quân sự, thì Moscow sẽ đáp trả bằng hành vi tương tự. Liệu Chiến tranh lạnh mới có xảy ra, hay đó sẽ là một cuộc chiến tranh nóng với những màn “so găng” vũ khí hùng hậu?
Lo ngại mối đe dọa từ Nga, NATO buộc phải tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu để trấn an đồng minh?
Nga - NATO: “Ăn miếng trả miếng!”
Ngày 4/5, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đã thành lập ba sư đoàn mới nhằm đối phó với các hành động quân sự của NATO gần biên giới nước này. Trong khi đó, một quan chức giấu tên tiết lộ, nhiều khả năng đây sẽ là đơn vị cơ giới súng trường với số lượng khoảng 10.000 binh sĩ mỗi sư đoàn…
Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông báo, NATO đang xem xét khả năng thiết lập bốn tiểu đoàn ở các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Theo lý giải của quan chức NATO, việc này liên quan đến “hành động gây hấn của Nga” khi tiến hành “nhiều cuộc tập trận bất thường” với sự tham gia của rất đông binh sĩ xung quanh Lithuania, Latvia và Estonia! Bởi, các nước vùng Baltic gia nhập NATO năm 2004 (như Lithuania, Latvia và Estonia) trước đó đã yêu cầu tổ chức này tăng cường sự hiện diện quân sự do lo ngại mối đe dọa từ Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho rằng, mục tiêu của Mỹ tại châu Âu là thực hiện nhanh các nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh trước bất kỳ hành động khiêu khích nào từ Nga. Cụ thể, năm 2017, Mỹ dự kiến cung cấp 3,4 tỷ USD cho sáng kiến “tái trấn an châu Âu” bằng việc bảo đảm sự luân chuyển số lượng binh sĩ trong khu vực cùng với nhiều xe tăng, xe bọc thép.
Còn NATO thì lại yêu cầu các đồng minh nhỏ hơn đóng góp quân cho vào Lực lượng phản ứng nhanh tại Đông Âu. Và như tuyên bố trước báo giới của Tổng thư ký Jens Stoltenber mới đây, đây “chính là nghĩa vụ quốc tế” mà NATO phải thực thi!
Nga - NATO "so găng"
Chiến tranh lạnh liệu có hóa… nóng?
Trước cuộc họp tại bang Bavaria miền nam nước Đức hồi tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Medvedev đã chia sẻ: “Gần như mỗi ngày, chúng tôi đều bị mô tả như là mối đe dọa nguy hiểm nhất với NATO, với châu Âu, Mỹ và các quốc gia khác”. Theo ông, những khác biệt giữa Moscow và phần còn lại của thế giới là không thể thu hẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức lớn như xung đột khu vực, khủng bố và khủng hoảng nhập cư, nước Nga cần phải được xem như một đối tác. |
Căng thẳng giữa NATO và Nga leo thang nghiêm trọng từ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng 28 quốc gia thành viên NATO thông qua đề xuất tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu - với các lực lượng đa quốc gia trên mặt đất, trên không và trên biển - tại Hội nghị An ninh Munich tổ chức ở Đức hồi tháng 2 vừa qua. Một cuộc “khẩu chiến” đã diễn ra. Thậm chí khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn cảnh báo, thế giới đang đối mặt với nguy cơ một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Thế nhưng, xem chừng lời cảnh báo của ông Medvedev có vẻ như vẫn còn “quá nhẹ” so với những con số dưới đây.
Tăng gấp 3 lần quân số cho lực lượng phản ứng nhanh đồn trú tại 6 nước khu vực Đông Âu (Lithuani, Latvia, Estonia, Ba Lan, Bulgaria, Romania) - từ 13.000 người lên 40.000 người. Thành lập một lực lượng can thiệp hiệu quả với số lượng 5.000 binh lính được không quân và hải quân yểm trợ, và có thể được triển khai trong vài ngày. Tăng cường triển khai máy bay chiến đâu, tàu chiến, tăng cường diễn tập...
Có thể nói, tất cả những động thái thực tế này chính là tín hiệu mạnh mà NATO muốn trấn an đồng minh kể từ sau cuộc xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine bắt đầu hồi tháng 4/2014. Thậm chí, Tổng thư ký NATO cũng cáo buộc rằng “một nước Nga với hành động quyết liệt hơn đã sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới” và NATO hiện phải đối mặt với “môi trường an ninh thách thức nhất”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ xảy ra “màn đáp trả” ở quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay giữa Nga và NATO thời gian qua chính là do sự khủng hoảng niềm tin, mà theo Mỹ và phương Tây Ukraine và Crimea chính là mấu chốt cần được tháo gỡ. Ngược lại, Moscow luôn xem vấn đề Ukraine chỉ là “cái cớ” mà Mỹ và phương Tây đưa ra nhằm chống lại Nga.
Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko từng tuyên bố, trong khi tình hình an ninh tại châu Âu phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ giữa Nga và NATO, thì chính NATO lại đi ngược lại những cam kết về tiếp tục đối thoại với Nga. Theo ông, Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997 vẫn là một trong những cột trụ của nền an ninh toàn châu Âu; phá hoại nó đồng nghĩa với nguy cơ châu Âu sẽ rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng.
Giới phân tích nhận định, khi NATO cố “kiềm chế” Nga bằng các động thái quân sự, thì Moscow sẽ đáp trả bằng hành vi tương tự. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu một cuộc Chiến tranh lạnh mới - như lo ngại của ông Medvedev - có xảy ra, hay thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến tranh thực sự với những màn “so găng” vũ khí hùng hậu?