Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT năm 2017 nhằm hoàn thiện Pháp Luật về giáo dục.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Bộ GD-ĐT đã lắng nghe những đánh giá cũng như kiến nghị của các đại biểu về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Đặc biệt là các đại diện của Sở GD-ĐT các tỉnh đưa ra những góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam cho hay: “Chúng tôi cũng mong muốn đưa hơi thở cuộc sống vào nghị quyết, tinh thần sửa đổi và tất cả những vấn đề cần thiết. Chính vì vậy, khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này là công trình có sự tập trung trí tuệ cao và có sự phản ánh của hơi thở cuộc sống trong thời gian qua, phản ánh được mong ngóng của thực tiễn”.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Ngô Chuyên.
Trước đó khi ta tiến hành nghiên cứu luật năm 1998, luật giáo dục 2005 đã đề cập đến 4 vấn đề lớn là: Trình độ đào tạo; giáo dục thường xuyên; phổ thông, thể chế, chính sách.
“Thực sự chúng tôi vui mừng, ủng hộ và hưởng ứng cao như các vấn đề như: Nâng chuẩn giáo viên giáo dục Tiểu học với những thông số chung của cả nước”, ông Long nói.
Ông Long cũng chia sẻ thêm, hiện nay theo thống kê tỉnh Hà Nam có 2258 giáo viên Tiểu học nhưng trong đó chỉ còn lại 62 giáo viên trình độ trung cấp. Như vậy là tỉ lệ trên chuẩn đào tạo là 97,85%. Đặc biệt, có những đơn vị đạt trên chuẩn là 99%.
“Mặc dù một số giáo viên hiên nay chưa đạt chuẩn nhưng tôi nghĩ tương lai sẽ tốt và trong phạm vi cả nước sẽ thực hiện tốt việc nâng cao chuẩn giáo viên Tiểu học”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng thời ông Long cũng đề cập đến vấn đề lương giáo viên, nếu lương giáo viên được xếp cao nhất trong lĩnh vựa hành chính sự nghiệp là một điều hết sức mừng.
“Chỉ nghe cái hướng sửa Luật giáo dục như thế này thôi trong đội ngũ giáo viên cũng đã có một luồng gió mới thổi vào đời sống của cán bộ giáo viên và trong tất cả các cơ sở giáo dục rất mừng và chúng tôi cũng mong sẽ được thực hiện”, ông Long chia sẻ.
Đồng thời, nhiều Sở GD-ĐT cũng phấn khởi khi sửa đổi về vấn đề miễn học phí. Tuy nhiên, nhiều Sở đề nghị nên áp dụng cho cả cấp học Mầm non.
Đại diện Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Duy Tiên phát biểu. Ảnh Ngô Chuyên.
“Chúng tôi xin đề nghị cơ quan nghiên cứu xem xét mở rộng hơn đối tượng được miễn học phí, cụ thể là đối tượng trẻ mầm non. Nếu không được cả bậc học mầm non thì ít nhất là phổ cập đến mức tuổi 4 tuổi. Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng đối tượng không phải đóng học phí này. Đối tượng này đã được nhiều nước trên thế giới miễn học phí”, ông Long nói.
Cũng trao đổi tại hội thảo, ông Bùi Đình Thanh – Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Duy Tiên - tỉnh Hà Nam cũng chia sẻ: “Khi mà yêu cầu chuẩn đầu vào của đội ngũ giáo viên thì chất lượng sẽ được nâng lên. Đề nghị Bộ GD-ĐT bảo vệ quan điểm này để nâng chất lượng đội ngũ giáo viên, nếu bây giờ không lên cao đẳng thì bao giờ mới lên trình độ đại học”.
Đồng thời, ông Thanh cũng chia sẻ: “Nếu đưa được mức lương của ngành giáo dục lên mức cao nhất trong lĩnh vực hành chính sự nghiệp thì chúng tôi rất phấn khởi, tạo được động lực cho giáo viên cống hiến. Hiện nay, trình độ trung cấp mức lương là 1,86 khi ra trường nhân hệ số 1,3 cộng cả đứng lớp vào nữa chỉ khoảng hơn 3 triệu, so với mức sống hiện nay rất khó khăn mà muốn hưởng thâm niên thì chỉ 5 năm sau mới được. Thế nên, nếu đưa được mức lương mới vào thì đội ngũ giáo viên hiện nay chắc chắn sẽ phấn khởi”.
Còn riêng chính sách miễn học phí đối với cấp Trung học cơ sở là chính sách đã chín muồi. Lý giải về điều đó, ông Thanh nói: “Mức thu học phí ở huyện Duy Tiên mỗi năm chỉ được 7,7 tỉ đồng, trong khi đó ngân sách chi toàn huyện mới có gần 500 tỉ, nó không đáng bao nhiêu? Chính vì vậy, chính sách miễn học phí thể hiện sự nhân văn. Con em đi học không phải lo lắng học phí đó là một cái cần thiết”.
Ông Thanh cũng kiến nghị: “Nếu có điều kiện, chúng ta có thể tiến tới miễn học phí đến cấp Mầm non. Đó cũng là mong muốn của giáo viên, phụ huynh ở cấp mầm non”.