Nền kinh tế Italia yếu dần vì dịch bệnh

Trâm Anh (theo AFP/Reuters)| 11/03/2020 15:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi hệ thống y tế của Italia đã quá tải với rất nhiều bác sĩ cũng bị nhiễm virus corona, tình trạng kinh tế của nước này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Các cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy bỏ và đường phố vắng tanh trên khắp nước Ý vào ngày thứ ba (10/3), ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa toàn quốc để làm chậm sự lây lan của cơn dịch bệnh tồi tệ nhất của châu Âu lúc này.

Chỉ vài giờ sau khi những hạn chế khắt khe nhất có hiệu lực, các cơ quan y tế tuyên bố số người chết đã tăng vọt từ 168 lên 631, mức tăng lớn cao nhất kể từ khi nước này công bố dịch vào ngày 21/2.

Nền kinh tế Italia yếu dần vì dịch bệnh

Một nhà hàng tại quảng trường St. Mark không có khách sau khi có lệnh phong tỏa toàn đất nước.

Đến nay, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Italy đã vượt xa con số 10.000. Mặc dù số trường hợp được nhiễm mới được xác nhận đã giảm nhiều so với những ngày trước đó, nhưng các quan chức cảnh báo rằng khu vực tại tâm chấn, Lombardy, đã cung cấp dữ liệu không đầy đủ.

Chính phủ Ý đã yêu cầu tất cả người dân ở nhà và tránh đi lại không cần thiết cho đến ngày 3 tháng 4, các biện pháp phòng dịch mở rộng triệt để đã được thực hiện ở phần lớn vùng miền Bắc giàu có nước Ý - tâm điểm của sự lây lan. Marzio Tonilo, 35 tuổi, giáo viên từ thị trấn phía Bắc San Fiorano, nói rằng “lúc này ý thức công dân là điều duy nhất có thể cứu chúng tôi”.

Vào tối thứ Hai (9/3), Thủ tướng Giuseppe Conte bất ngờ ra lệnh mở rộng “vùng đỏ” từ chỉ ở miền Bắc thành toàn bộ đất nước, áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất đối với một quốc gia phương Tây kể từ Thế chiến thứ hai. Động thái này đã gây sốc cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, vốn đã có một tương lai không vững chắc. “Có vẻ như ngày tận thế đã xảy ra, xung quanh không có ai cả”, Mario Monfreda, người điều hành nhà hàng Larys trong một khu dân cư ở Rome, nói. Theo lệnh của chính phủ, tất cả các quán bar và nhà hàng sẽ phải đóng cửa lúc 6 giờ chiều.

Đây rõ ràng là một thảm họa. Việc phong tỏa toàn bộ đất nước sẽ khiến nhiều người chết vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, khu vực phía Bắc thịnh vượng của vùng Bologna, nơi có kinh đô tài chính Milan của Ý, vẫn kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa.

Lãnh đạo chính quyền cao nhất của vùng Lombardy Guilio Fontana nói: “Tôi sẽ thực hiện lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng. Tôi cũng sẽ cho dừng tất cả các hoạt động giao thông công cộng cũng như cho tất cả các doanh nghiệp dừng hoạt động mà không tạo ra thiệt hại quá lớn cho nền kinh tế”.

Trong khi Bologna chiếm 74% số các trường hợp tử vong, căn bệnh này cũng đã lây lan ra khắp đất nước và chính phủ lo lắng rằng nếu nó trở nên tồi tệ hơn, hệ thống y tế ở phía Nam kém phát triển sẽ sụp đổ, khiến số ca tử vong sẽ tăng đột biến.

Các địa danh nổi tiếng của Rome bao gồm Đài phun nước Trevi, Đền Pantheon và Bậc thang Tây Ban Nha hầu như không một bóng người. Trong khi đó, Tòa thánh Vatican đã đóng cửa Quảng trường Thánh Peter và Nhà thờ Thánh Peter đối với khách du lịch. Cảnh sát đã yêu cầu khách du lịch trở về khách sạn của mình.

Trong ít nhất ba tuần tới, bất kỳ ai đi lại ở Ý sẽ phải mang theo một tài liệu chứng minh lý do đi lại của họ. Các sự kiện ngoài trời, bao gồm cả các hoạt động thể thao, đã bị đình chỉ và các trường học và trường đại học đều bị đóng cửa.

Nền kinh tế Italia yếu dần vì dịch bệnh

Các sĩ quan cảnh sát làm nhiệm vụ tại quảng trường Duomo vắng vẻ sau khi có lệnh phong tỏa toàn quốc.

Một cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính dự đoán rằng các biện pháp phong tỏa này đang làm giảm sản lượng kinh tế của Ý khoảng 10-15%, với ngành du lịch và vận tải giảm khoảng 90% so với mức bình thường.

Để tìm cách giảm thiểu tác động của lệnh phong tỏa đối với người dân Ý, chính phủ đang xem xét việc yêu cầu các ngân hàng cho phép khách hàng tạm dừng trả nợ thế chấp. Chính phủ Ý cũng kêu gọi Liên minh châu Âu nới lỏng các quy tắc để cho phép chi tiêu nhà nước nhiều hơn. “Chúng tôi sẽ yêu cầu thay đổi các quy tắc, đó là một điều kiện cần thiết, nếu không mọi người sẽ chết”, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Stefano Patuanelli nói.

Sàn giao dịch chứng khoán Milan đã giảm thêm 3,3% vào ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa, có nghĩa là nó đã giảm 29% kể từ ngày 20 tháng 2. Chi phí vay của Ý cũng tăng lên, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế trong khu vực đồng euro đang trên bờ vực suy thoái và đang phải vật lộn với một món nợ lớn này có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Trước khi có lệnh phong tỏa, nước láng giềng Áo đã từ chối nhập cảnh đối với những người đến từ Ý. Quốc đảo Malta và Bồ Đào Nha đã cắt tất cả các tuyến du lịch đến nước này, trong khi British Airways và Easy Jet đã hủy các chuyến bay đến và đi từ các sân bay của Ý. Tây Ban Nha cũng cấm các chuyến bay từ Ý.

SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào năm ngoái và hôm thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, đã gọi điện cho người đồng cấp Ý, Luigi Di Maio, để gửi lời chia buồn về tình hình ở Ý. Ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ gửi đến Ý thiết bị y tế và nhiều mặt nạ - mặt hàng mà Ý phải nhập khẩu vì không tự sản xuất - đồng thời đề nghị được gửi một đội ngũ y tế đến Ý để hỗ trợ nước này dập dịch.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế Italia yếu dần vì dịch bệnh