Tại phiên họp sáng nay (9/11), đại biểu quốc hội Đỗ Thị Lan đã đề xuất các tỉnh, thành phố nên có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động.
Năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn đến nay mới có 77,9%
Theo đại biểu quốc Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn đến nay mới có 77,9% số xã được đầu tư nâng cấp. 48,8% trạm y tế xã thực hiện được tỷ lệ danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến xã do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động, phân cấp quản lý còn nhiều bất cập.
Cũng từ thực tế đó, bà Lan nói: "Thời gian tới, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sau điều trị nhiễm dịch COVID-19 để lại di chứng, trẻ em mồ côi, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… rất cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế nơi sinh sống".
Theo đó, bà Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng, ngân sách chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia để có những chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đề nghị Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế quốc gia phù hợp với tình hình mới.
“Đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động”, bà Lan nhấn mạnh.
Duy trì kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết
Bên cạnh đó bà Lan cũng đề cập đến công tác phòng, chống dịch tại các đại phương, đó bà Lan đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng, chống dịch, văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất phù hợp về kiểm soát cách ly y tế, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.
Một số địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát dịch, khống chế dịch bệnh lây lan, thực hiện mục tiêu kép nên kinh tế địa phương phát triển và đảm bảo được hoạt động xuất, nhập khẩu của quốc gia trên địa bàn.
Do đó, việc duy trì kiểm soát tại các chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết, tránh lây lan dịch bệnh ra nhiều tỉnh, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Trong hoạt động xuất nhập khẩu càng phải làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Bà Lan ví dụ một đoàn xe vận chuyển hàng xuất khẩu có một lái xe bị F0 thì về phía bạn sẽ ngừng nhập khẩu hàng hóa và có thể bị đình trệ nhiều ngày, có thể phải tiêu hủy, gây tốn kém, lãng phí.
Tôi đề nghị cần có nhận định, đánh giá đúng mức kết quả thực hiện mục tiêu kép, thực hiện tốt việc kiểm dịch ở các chốt giao thông, không chỉ để lưu thông nhanh mà còn phải đảm bảo an toàn để phát triển bền vững.