Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia.
Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD năm 2021.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, kết quả tích cực nêu trên không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics.
“Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng, trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng.
Báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility vừa công bố cho thấy, năm 2021, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu.
Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ ra rằng, dù có bước phát triển mạnh mẽ thời gian qua nhưng ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
“Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.
Từ đó, Thứ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao việc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Báo Công Thương tổ chức hội thảo này.
Đồng thời nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo mặc dù không mới, nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19”.
Tại hội thảo, các ý kiến của hiệp hội và doanh nghiệp cũng cho rằng, trong thời gian tới, ngành logistics cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực logistics chất lượng cao có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế.
Để tạo ra nhiều đột phá, theo đại diện Công ty cổ phần KARGO 365, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa nguồn lực, mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí, tăng thêm năng lực ứng phó với các khủng hoảng, biến cố của thị trường.
Hơn nữa, chuyển đổi số giúp xóa đi khoảng cách giữa các bộ phận trong một doanh nghiệp vì khi áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Từ đó nâng cao năng suất lao động của nhân viên, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics.
Đặc biệt, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập; xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, khả năng chống chịu, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường, quyết tâm mở rộng phạm vi kinh doanh ra các thị trường bên ngoài Việt Nam.