"Điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng" tại xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), là một trong những mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ người nghiện từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng .
Tình trạng nghiện ma túy đang là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh xã hội. Tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, mô hình tư vấn người sau cai nghiện đã được triển khai nhằm hỗ trợ những người nghiện ma túy trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Điểm tư vấn được đặt tại Trạm Y tế xã Liên Ninh, với Ban chủ nhiệm và sự tham gia của công an khu vực các địa bàn dân cư, nhân viên y tế của Trạm Y tế, thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Ninh, ông Nguyễn Văn Bẩy cho biết: Điểm tư vấn có 6 chức năng, nhiệm vụ, là bộ phận chuyên môn giúp Chủ tịch UBND xã thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.
Đồng thời, tuyên truyền, tiếp cận, vận động người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy tham gia các chương trình điều trị nghiện, điều trị dự phòng nghiện ma túy và giúp khách hàng tuân thủ điều kiện khi tham gia các chương trình điều trị nghiện tại cộng đồng.
Các thành viên Điểm tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện và Nhân dân địa bàn về các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa, giảm hại, điều trị nghiện, điều trị dự phòng, các hoạt động hỗ trợ sau cai nghiện; tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Điểm tư vấn cung cấp một số dịch vụ về y tế cho khách hàng trong điều kiện có thể của Trạm Y tế khi họ có vấn đề liên quan đến sức khỏe. Đồng thời hỗ trợ người nghiện, người sau cai nghiện xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch cá nhân về điều trị nghiện ma túy, hòa nhập cộng đồng.
Điểm tư vấn cũng là nơi kết nối, chuyển gửi khách hàng tới các cơ sở cung cấp dịch vụ về y tế, xã hội, tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội, trên cơ sở kết quả sàng lọc, phân loại, nhu cầu và các điều kiện của khách hàng để họ được tiếp cận dịch vụ điều trị, hỗ trợ một cách toàn diện…
Chia sẻ về việc thu hút khách hàng đến với Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Ninh Nguyễn Văn Bẩy nói: "Chúng tôi tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã và đề nghị các ngành, đoàn thể, cụm dân cư tư vấn cho các gia đình, người nghiện hiểu được việc khi đến Điểm tư vấn sẽ được tư vấn sức khỏe, tránh không bị lây nhiễm bệnh về ma túy, mại dâm hay HIV/AIDS… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ họp và giao nhiệm vụ cho từng thành viên để Điểm tư vấn hoạt động thiết thực, đúng như ý nghĩa của nó".
Ông Nguyễn Hoàng K., một trong những người đã tham gia mô hình, cho biết ông đã từng là một người nghiện và sau khi cai nghiện, bản thân ông cảm thấy rất lạc lõng. Sau khi tham gia, mô hình tư vấn này đã giúp ông tìm được phương hướng, từ bỏ ma túy, tìm được việc làm, có những mối quan hệ tốt đẹp để trở lại với cuộc sống bình thường.
Tương tự, trường hợp của chị Lê Thị C, người đã tham gia được hơn hai tháng tâm sự: “Một lần, trong buổi nhóm, mọi người đã chia sẻ về những khó khăn mà mình gặp phải. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy mình không cô đơn. Chúng tôi đã động viên nhau rất nhiều và tôi nhận ra rằng mọi người đều đang cố gắng vượt qua quá khứ. Mô hình này không chỉ giúp tôi hiểu rõ hơn về bản thân mà còn dạy tôi cách quản lý cảm xúc và kỹ năng giao tiếp, học được rất nhiều điều bổ ích”.
Theo UBND xã Liên Ninh, đến thời điểm hiện tại, được sự quan tâm và chỉ đạo của Chi cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội Hà Nội, phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, chính quyền xã Liên Ninh, điểm tư vấn hoạt động rất thuận lợi. Do đó, việc tiếp tục duy trì và phát triển điểm tư vấn là rất quan trọng, bởi đây là điều rất thiết thực đối với công tác cai nghiện tại cộng đồng, góp phần thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế như thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiếu cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm trong công tác điều trị cai nghiện tại cộng đồng. Các điểm tư vấn mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn và hỗ trợ người nghiện và gia đình người người nghiện tiếp cận với các dịch vụ dự phòng tái nghiện và lây nhiễm HIV/AIDS; công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người hoàn thành cai nghiện khó khăn…
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nghiện, các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn xã Liên Ninh nói riêng và huyện Thanh Trì nói chung tiếp tục tăng cường tổ chức sinh hoạt định kỳ cho người mắc nghiện ma túy, người sau cai nghiện.
Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời, phát động toàn dân tham gia công tác vận động người nghiện ma túy thực hiện các chương trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp, giúp đỡ người sau cai có việc làm, ổn định đời sống; lồng ghép công tác cai nghiện tại gia đình vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội như giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm…
Mô hình tư vấn người sau cai nghiện tại xã Liên Ninh không chỉ đơn thuần là một chương trình hỗ trợ, mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm thay đổi nhận thức và tạo ra một môi trường tích cực cho những người từng lầm lỡ. Sự thành công của mô hình này không chỉ đến từ những chính sách cụ thể mà còn từ tâm huyết và nỗ lực của từng tư vấn viên, sự đoàn kết trong cộng đồng và ý chí quyết tâm của người tham gia.
Từ những trải nghiệm thực tế, các cá nhân không chỉ học được cách vượt qua quá khứ mà còn xây dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn. Điều này cho thấy rằng, khi được trang bị những công cụ cần thiết và sự hỗ trợ đúng lúc, mọi người đều có khả năng thay đổi và phát triển, tìm thấy hướng đi mới trong cuộc sống.