Năm nay người H’Mông ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình sẽ có một cái Tết thật đặc biệt. Hội xuân không đến sớm như mọi năm, nhưng rộn ràng từ bếp lửa, từ nhịp chày giã bánh…
Tết này đợi người xuôi
Đến xã Pà Cò vào ngày cận Tết, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự yên ả lạ thường nơi đây. Bởi khác với người miền xuôi, đồng bào dân tộc H’Mông xưa nay vẫn ăn Tết sớm, bắt đầu từ 30/11 Âm lịch. Tìm tới Trường Dân tộc nội trú liên xã Hang Kia - Pà Cò, không khí học tập của thầy cô và các em nơi đây vẫn đang rất rộn ràng. Không lẽ người H’Mông năm nay “quên” nghỉ Tết?.
Hiểu được thắc mắc của chúng tôi, cô giáo Hà Thanh Cầm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Đến giờ các em học sinh vẫn tới lớp bình thường vì từ năm nay, đồng bào H’Mông sẽ ăn Tết Nguyên đán như dưới xuôi. Nhưng nhà trường vẫn cố gắng tạo không khí Tết cho các em quen dần”.
Mang chút hụt hẫng rời điểm trường, vào bản mong đâu đó không khí ngày xuân về sớm trên rẻo cao, bước chân của chúng tôi như nhanh hơn bởi trong làn sương dày đặc nghe văng vẳng tiếng chày.
Người H’Mông ở Pà Cò làm bành dày đón Tết
Trước khoảnh sân rộng, nhà anh Phàng A Páo đang giã bánh dày. Trong chiếc cối lớn, hơi nếp thơm nức bốc nghi ngút. Anh Páo và cậu thanh niên vung sức nện từng nhịp, mồ hôi lăn xuống đuôi mắt đang ánh lên nét tươi vui.
Chị Sùng Y Ganh vừa cắt lá chuối vừa nói: “Năm nay ăn Tết với người xuôi rồi, nhưng nhà mình vẫn giã bánh. Không làm nghĩ ông bà trên núi (những người đã khuất) lại mong. Tết người H’Mông phải có bánh dày”.
Người Mông gọi bánh dày là "Dúa pả”. Theo lời chị Ganh, món bánh dày của người H’Mông chỉ xuất hiện vào những dịp lễ hội và ngày Tết. Đặc biệt là trước khi giã bánh dày, chủ nhà phải thông báo gia tiên hôm nay làm bánh dày rồi mới được đổ xôi giã bánh. Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu. Vậy nên lâu nay người Mông ở Pà Cò ăn Tết theo mùa vụ. Khi những rạ lúa nương được xếp đầy kho cũng là lúc người H’Mông bắt đầu nghỉ Tết.
Gạo nếp nương mới sát cùng lá chuối và lòng đỏ trứng gà, đó là những nguyên liệu làm nên món bánh dày không nơi đâu có được. Gạo nếp ngâm khoảng 30 tiếng đồng hồ để đạt được độ mềm của gạo, rồi đưa lên “chõ đồ” hơn 2 tiếng đồng hồ cho tới khi xôi chín dẻo.
Anh Páo cho biết, giã bánh dày là khâu vất vả nhất, cần đến 2 người đàn ông khỏe mạnh. Giã bánh không chỉ dùng lực, mà phải cần kinh nghiệm để bánh dày nhuyễn đều, quánh dẻo. Thời gian để giã xong một mẻ bánh dày từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ.
Sau khi xôi quện lại thành khối bột trắng, người phụ nữ sẽ dùng tay đã được xoa lòng đỏ trứng gà đón bánh, tách thành từng chiếc tròn dẹt xếp lên mặt phên. Để bánh không dính phên, người phụ nữ phải lật bánh liên tục. Công đoạn cuối cùng là kẹp bánh vào lá chuối tươi đã cắt vuông vắn. Chị Ganh nói lá chuối sẽ giúp bảo quản bánh trong 10 - 15 ngày.
Anh Páo chọn 3 chiếc bánh to đẹp nhất đặt lên ban thờ tổ tiên, cùng với đó là thịt gà, thịt lợn gác bếp - 2 món không thể thiếu trong cỗ Tết của đồng bào người H’Mông nơi đây. Bữa cơm Tết của gia đình khiến vị khách nào cũng chẳng muốn về. Bánh dày cắt nhỏ nướng phồng trên than hồng, thịt gác bếp cay nồng hương quả mắc khén, bát rượu ngô uống tới đâu ngây ngất tới đó.
Phiên chợ vùng cao rực sắc xuân
Theo chân anh Páo xuống chợ phiên Pà Cò, khung cảnh nơi đây tưởng như Tết đã về. Giống bao chợ vùng cao khác, chợ Pà Cò là hình ảnh thu nhỏ về đời sống của đồng bào dân tộc H’Mông. Dẫu năm nay người H’Mông Pà Cò ăn Tết muộn, nhưng trước đó chợ phiên đã rực rỡ đủ màu.
Phiên chợ xuân của người H’Mông
Chợ phiên Pà Cò rộn rã và tấp nập như ngày hội. Mới tới lần đầu, bất cứ ai cũng dễ “choáng ngợp” bởi hàng loạt các sản phẩm từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…
Anh Páo vui vẻ: “Người H’Mông mình giờ không lo thiếu thứ gì. Xe từ dưới xuôi lên hàng ngày nên tiện lắm. Bà con vừa làm nương vừa buôn bán, đón khách du lịch, nên ngày một no đủ. Vất vả quanh năm rồi, Tết nhà nào cũng muốn mua sắm cho tươm tất”.
Những cô gái H’Mông xúng xính thử váy áo hồng, xanh, đỏ, đủ màu tươi vui. Tiếng tà xích, bạc xòe trên váy leng keng vui tai theo từng nhịp chân khiến bao chàng trai ngẩn ngơ ngắm nhìn.
Dẫu từ năm nay người H’Mông đón Tết muộn, dẫu những cây đào, cây mai còn đang ủ nụ trong sương giá thì trong lòng người nơi đây, xuân đã về.