Năm 2015 đã trôi qua với bao biến cố trên toàn thế giới như khủng bố leo thang; khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư… Những con số ấn tượng dưới đây có thể phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh về năm 2015 – năm của những hiểm họa, lo âu và sợ hãi.
Trong báo cáo ngày 18/12/2015, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã đưa ra số liệu cho thấy, 244 triệu người di cư trên thế giới trong năm 2015, tăng đột biến so với năm 2000, tới hơn 40%. Trong đó, Châu Âu tiếp nhận gần 900.000 người tị nạn và người di cư, một nửa trong số đó là người Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh ở quê nhà. Gần một nửa số người di cư trên thế giới có nguồn gốc từ châu Á, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay
Đây được coi là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất từ trước tới nay. Điều đáng nói là cuộc khủng hoảng di cư sẽ còn tiếp diễn, hàng ngàn người vẫn đang thực hiện cuộc hành trình di cư vì cho tới thời điểm hiện tại, cuộc khủng hoảng Syria vẫn chưa có cách tháo gỡ.
Theo con số thống kê của Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re, Thụy Sĩ công bố ngày 18/12, năm 2015, thế giới thiệt hại 85 tỷ USD do các thảm họa thiên nhiên và công nghiệp gây ra. Trong đó, thiệt hại kinh tế do thiên tai là 74 tỷ USD.
Thống kê chi tiết cho biết, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter tại Nepal ngày 25/4 khiến 9.000 người thiệt mạng, phá hủy 500.000 căn nhà, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 6 tỷ USD; Vụ nổ kinh hoàng tại kho hóa chất ở cảng Thiên Tân, Trung Quốc ngày 12/8 làm 161 người thiệt mạng và chi phí bảo hiểm bồi thường cho vụ tai nạn trên lên tới 2 tỷ USD.
Năm 2015 cũng được xem là năm nóng kỷ lục gây thiệt hại đáng kể về kinh tế, lên tới hàng ngàn tỷ USD và khiến 5.000 người thiệt mạng. Riêng ở Ấn Độ và Pakistan, có tới 3.000 người chết do nắng nóng, khi thời tiết lên tới 48 độ C.
Trong Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp diễn ra đầu tháng 12/2015, 195 quốc gia đã nhất trí thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia cùng góp phần giới hạn nhiệt độ tăng thêm ở mức 2 độ C (cố gắng chỉ trong mức 1,5 độ C) và dành 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Vụ bê bối Volswagen, Đức trang bị phần mềm gian lận khí thải động cơ diesel, bị phát lộ cuối tháng 9/2015 được cho là vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử xe hơi Đức. Hơn 11 triệu xe ô tô đã bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này. Theo cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), hãng này đã thiết kế ra một phần mềm để đánh lừa các biện pháp đo lường khí thải trên các dòng xe chạy dầu diesel của mình. Sự gian lận của VW đã tạo ra lượng khí oxit nitơ (NOx) nhiều hơn từ 10-40 lần so với mức quy định, gây ra cái chết của khoảng 5-20 người ở Mỹ mỗi năm.
Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ gây cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 2015
Vào 13/7, sau 17 giờ đàm phán liên tục xuyên đêm, các nhà lãnh đạo khu vực sử dụng đồng euro - các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hỗ trợ 83 tỷ euro để giải quyết vấn đề nợ công của Hy Lạp. Trước đó, ngày 1/7/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thông báo xác nhận, Hy Lạp không trả nợ đúng hạn. Đồng nghĩa với việc, Athens chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế phát triển như Hy Lạp rơi vào tình trạng khốn đốn này.
Bên cạnh đó, năm 2015 được cho là năm leo thang khủng bố. Trong đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua. Nhiều vụ tấn công khủng bố được thực hiện bởi các tổ chức khủng bố khét tiếng đã xảy ra trên khắp thế giới. Trong đó phải kể tới 7 vụ khủng bố đẫm máu, chấn động: 7/1, xả súng ở trụ sở tờ tạp chí châm biếm của Pháp Charlie Hebdo, 12 người chết; 3/2, xả súng tại San Bernardino, Mỹ14 người chết; 17/8, đánh bom liên hoàn tại khu vực đền Erawan, Bangkok, Thái Lan 20 người chết; 10/10, đánh bom kép ở Thổ Nhĩ Kỳ, 105 người chết; 31/10, đặt bom khủng bố trên máy bay dân sự Nga, 224 người chết; 13/11, đánh bom và xả súng đẫm máu tại Paris, Pháp, 159 người chết; 20/11, bắt cóc 170 con tin, xả súng tại khách sạn hạng sang Radisson Blu, Mali, 27 người chết.