Tháng 8 hàng năm là thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ. Những quả na to đều, da căng mịn, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh... theo ròng rọc xuống núi...
Na Chi Lăng - "vàng" mọc trên núi đá vôi
Chắc hẳn khi nhắc đến Chi Lăng đa số chúng ta nhớ ngay đến địa danh "Ải Chi Lăng" lừng lẫy trong lịch sử dân tộc hoặc nghĩ ngay đến những núi đá vôi hùng vĩ, hoang sơ. Nhưng ngày nay, Chi Lăng là một trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh Lạng Sơn. Chi Lăng không chỉ phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp bền vững. Trong đó, nổi bật phải kể đến mô hình du lịch, phát triển nông nghiệp gắn liền với sản phẩm “Na Chi Lăng”.
Không phải bỗng nhiên na Chi Lăng nổi tiếng, không phải bỗng nhiên nó được gọi là "vàng" mọc trên núi đá vôi. Hành trình từ thứ quả lạ trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của na Chi Lăng thật sự vô cùng đáng để tự hào.
Được biết, từ đầu những năm 1980, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử trên núi đá. Khi đó, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nên người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá vôi để trồng thử nghiệm cây na. Nhưng thật bất ngờ, thử nghiệm lại trở thành "phát minh", cây na thi nhau sinh sôi nảy nở, trên vùng đất Chi Lăng.
Nhận thấy đây là giống cây tiềm năng, nhiều bà con trong vùng bắt đầu chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng na. Thời gian đầu bà con chưa có kỹ thuật nên cây nào cũng cao đến 3 mét, quả thu về khá nhỏ. Cây na chỉ thực sự được quan tâm khi các thương lái và chính quyền địa phương phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Chăm sóc na cũng rất vất vả, để quả ra đúng vụ, bà con phải lên núi tỉa cành, làm cỏ, vun đất từ Mùng 4 Tết. Năm nào cũng thế, cứ phải hết vụ bà con mới được nghỉ ngơi.
Mấy năm đầu, na Chi Lăng chưa có thị trường lớn, bà con nông dân phải tự thu hoạch rồi đem ra chợ bán. Dần dần, với chất lượng khác biệt, na Chi Lăng đã vào được thị trường và đem lại thành công ban đầu cho bà con.
Sau ba năm được vun vén, cây na bắt đầu cho quả ngọt, diện tích trồng cũng ngày càng mở rộng, từ 500 ha vào năm 1997 đã tăng lên hơn 2.000 ha vào năm 2021.
Ông Vi Nông Trường - Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng từng chia sẻ với báo chí: Chính quyền địa phương đã đến từng hộ gia đình định hướng, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng, phòng ngừa sâu bệnh, chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm... đem về tỷ lệ đậu quả đạt 98%. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo bà con liên kết thành chuỗi, tạo thành một hợp tác xã để tiêu phụ, huyện hỗ trợ bà con một phần về bao bì, nhãn mác theo quy chuẩn.
Năm 2014, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 613,62 ha; chiếm 1/3 tổng diện tích trồng na trên địa bàn huyện.
Trong hành trình đưa na Chi Lăng trở thành loại nông sản chủ lực, bà con nông dân và chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Năm 2015, na bị ruồi vàng gây hại, năng suất lẫn diện tích trồng giảm sút. Bà con lo ngại na bị thị trường từ chối. Ngay lập tức, lãnh đạo huyện và các nhà khoa học đã vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ. Toàn bộ diện tích na của huyện đã được dùng bẫy bả sinh học ruồi vàng, 1.500 ha na được cứu nguy và cho ra quả ngọt lịm trong mùa thu hoạch năm đó.
Nhiều năm trở lại đây, na Chi Lăng được mùa, được giá, vùng na được mở rộng, thay thế các cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt từ 16.000 đến 18.000 tấn, bình quân từ 28.000 - 30.000 đồng/1kg, loại 2 - 3 quả từ 60.000 - 80.000 đồng.
Sau 40 năm, huyện Chi Lăng đã trở thành "thủ phủ" của na Lạng Sơn. Na Chi Lăng cũng trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Na được mùa, được giá đã không chỉ giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp họ "ăn nên làm ra".
Bà con nơi đây gọi vui na Chi Lăng là "vàng" trên núi, bởi doanh thu của nông dân toàn huyện từ na được ghi nhận ở mức "khủng" khi đạt đến 720 tỷ đồng trong năm nay (theo VnExpress). Theo bà con nông dân, có hơn nửa số hộ trồng na đã trở nên khá giả, thu nhập ít nhất vài chục triệu đồng, thậm chí nhiều hộ đạt mức thu nhập 300 - 500 triệu đồng mỗi năm.
Na Chi Lăng đang vươn mình ra "biển lớn"
Thời điểm năm 2020 - 2021, na Chi Lăng cũng giống như các loại nông sản khác đều gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát. Các đối tác xuất khẩu không thể vào thu hoạch trực tiếp, các đối tác trong nước lại đối mặt với khó khăn trong lưu chuyển. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc cũng siết chặt các biện pháp phòng dịch tại biên khiến nông sản rơi vào tình cảnh "không lối thoát".
Tuy khó khăn là vậy nhưng người nông dân đã nhanh trí áp dụng hình thức kinh doanh online để tiêu thụ nông sản na, giảm bớt na tồn ứ trong vườn. Khách hàng địa phương, khách hàng tại Hà Nội và nhiều nơi khác đã "đánh" xe lên chở na về bán.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã đề gia các giải pháp, tìm kiếm đầu ra cho nông sản tránh tình trạng mất giá. Việc chủ động tìm đầu ra cho nông sản, đổi mới hình thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc... của địa phương cũng giúp giá trị của na được tăng cao, sản lượng tiêu thụ tốt hơn và đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng.
Hiện nay, na Chi Lăng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ. Diện tích ước tính 2.300ha, sản lượng ước tính đạt 20.000 tấn (bao gồm cả na rải vụ), doanh thu ước đạt khoảng 700 tỷ đồng; diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 699 ha.
Đến hết năm 2022, có 3 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao;1 sản phẩm Na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Do diện tích na trồng lớn và doanh thu đạt cao nên chính quyền tỉnh không ngừng quan tâm đến công tác quảng bá thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu cho na Chi Lăng. Cụ thể, đó là ngày hội "Na Chi Lăng" được tổ chức vào năm 2017, là nơi kết nối các nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý. Sự kiện nhằm thúc đẩy phong trào trồng na theo quy trình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngày hội này đã giúp na Chi Lăng lọt "Top 10 thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam".
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, na Chi Lăng đã dần trở lại thị trường và được địa phương thúc đẩy quảng bá rộng khắp. Vào đầu tháng 8/2022, na Chi Lăng đã có mặt tại Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2022 và Hội chợ kết nối nông sản thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022 do UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện này, ông Lương Trọng Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục đặc sản "Na Chi Lăng" vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Năm 2017, 2018 được tôn vinh "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".
Và mới đây nhất, ngày 26/8, UBND huyện Chi Lăng đã tổ chức họp báo giới thiệu Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 và Chương trình truyền thông quảng bá Thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng và các nông đặc sản trên nền tảng kỹ thuật số. Đây là thời điểm lý tưởng để tôn vinh các cá nhân, hộ gia đình, tập thể tiêu biểu, xuất sắc đã có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na và các sản phẩm nông nghiệp; góp phần bảo vệ, nâng cao uy tín, giữ vững thương hiệu sản phẩm Na Chi Lăng; quảng bá, kết nối tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người nông dân.
Tất cả công sức của người nông dân và chính quyền huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung đều hướng về một mục đích: Đưa loại na Chi Lăng "vượt biên" ra ngoài biển, đến với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ...
Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 gồm các hoạt động: truyền thông về Hội chợ, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, du lịch huyện Chi Lăng; tổ chức phát động sản xuất Na và các nông đặc sản theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức thi các vườn mẫu về phát triển sản xuất na và thi sản phẩm quả na năm 2022; tổ chức công bố nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Gà Vạn Linh và công nhận sản phẩm na đạt OCOP 4 sao…
Các nội dung nằm trong khuôn khổ Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 được triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 10/2022. Lễ khai mạc Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022 với chủ đề “Na Chi Lăng - Ngọt ngào hương vị xứ Lạng” được tổ chức vào 20h ngày 9/9/2022 tại Trung tâm Giới thiệu nông sản huyện Chi Lăng.