Tin nhanh

Mỹ: Thử nghiệm vaccine cúm “toàn cầu” dựa trên công nghệ mRNA

Hà Mai 19/05/2023 - 13:49

Ngày 15/5, Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết nhiều người đang đăng ký vào một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu vaccine phòng chống được nhiều loại cúm dựa trên công nghệ mRNA.

Đây là công nghệ phát triển vaccine Covid-19 đã được sử dụng rộng rãi của Moderna và Pfizer.

vacxin.jpg
Thế hệ vaccine cúm hiện tại vẫn phải tiêm hàng năm.

Các nhà khoa học hy vọng vaccine này sẽ chống lại nhiều loại cúm hơn và cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài hơn để không phải tiêm phòng hàng năm.

Tiến sĩ Hugh Auchincloss, quyền Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIH), cho biết: “Một loại vaccine cúm phổ thông có thể đóng vai trò là tuyến phòng thủ quan trọng chống lại sự lây lan của đại dịch cúm trong tương lai”.

Theo NIH, vaccine cúm “toàn cầu” này sẽ được thử nghiệm tối đa trên 50 người khỏe mạnh từ 18 đến 49 tuổi để kiểm tra xem liệu nó có an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch hay không.

Nghiên cứu cũng sẽ bao gồm cả những người được tiêm vaccine cúm tứ giá (loại vaccine chống lại bốn chủng virus), để so sánh hiệu quả giữa vaccine phổ thông thử nghiệm với những vaccine hiện có trên thị trường.

Vaccine này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia. Thử nghiệm lâm sàng hiện đang tuyển tình nguyện viên tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina.

Thế hệ vaccine cúm hiện tại có thể giúp người nhiễm cúm tránh được tình trạng nặng phải nhập viện, nhưng hiệu quả của các mũi tiêm có thể rất khác nhau giữa các năm.

Hiện tại, các nhà khoa học phải dự đoán trước nhiều tháng chủng virus cúm nào sẽ chiếm ưu thế để các nhà sản xuất có thời gian sản xuất vaccine trước mùa dịch.

Tuy nhiên, các chủng cúm chiếm ưu thế có thể thay đổi giữa thời điểm các chuyên gia chọn chủng và nhà sản xuất tung ra các mũi tiêm. Trong một số mùa dịch, vaccine được đưa ra không phù hợp với các chủng virus đang lưu hành khiến hiệu quả phòng dịch sẽ kém hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), vaccine cúm làm giảm nguy cơ mắc bệnh từ 40% đến 60% khi chúng tương thích tốt với các chủng đang lưu hành. Nhưng trong một số năm, hiệu quả của vaccine thấp tới 19% do loại vaccine được chọn không phù hợp với chủng virus cúm.

Theo CDC, cúm đã giết chết từ 12.000 đến 52.000 người mỗi năm ở Mỹ từ năm 2010 đến năm 2020 tùy thuộc vào các chủng lưu hành và mức độ phù hợp của các mũi tiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ: Thử nghiệm vaccine cúm “toàn cầu” dựa trên công nghệ mRNA