Mỹ - Nga “so găng” lá chắn, bàn cờ Đông Âu thành tốt thí?!

Nhật Minh| 31/05/2016 19:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến cuối cùng, Moscow và Washington sẽ lại “bắt tay làm lành", còn các quốc gia chứa chấp tên lửa Mỹ (như Romania) có thể sẽ là “những nạn nhân duy nhất” trong cuộc chơi lá chắn ở Đông Âu.

Một số nguồn tin cho biết, ngày 25/5, Nga đã bí mật phóng thử thành công tên lửa đánh chặn của tổ hợp phòng thủ tên lửa Nudol (mật danh của tổ hợp A-235) - một sản phẩm của Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey. Vũ khí này được đánh giá là có khả năng bắn hạ mọi mục tiêu của đối phương trong các tầng quỹ đạo Trái Đất, trong đó có vệ tinh và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Thông tin Nga thử nghiệm tổ hợp Nudol xuất hiện trong bối cảnh Lầu Năm Góc vừa triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania, và dự kiến tiếp theo tại Ba Lan. Dự kiến, sau khi hoàn thành, đây sẽ là chiếc ô phòng vệ khổng lồ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương, với trung tâm chỉ huy được đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.

Mỹ - Nga “so găng” lá chắn, bàn cờ Đông Âu thành tốt thí?!

Ngày 12/5, Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở căn cứ không quân thuộc Deveselu, miền Nam Romania.

Trong khi đó, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) vào tháng 7 tới, ngày 30/5, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo liên minh quân sự này sẽ triển khai một lực lượng luân phiên tại Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic. Lý do mà các nhà lãnh đạo NATO đưa ra là, nhằm trấn an đồng minh trước “nguy cơ đe dọa tiềm tàng” từ phía Moscow kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.

Rõ ràng, việc khởi động lá chắn tên lửa nhằm “bảo vệ châu Âu”, cùng một loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng nhằm chống lại Nga, đang làm cho quan hệ Nhà Trắng - Điện Kremlin trở nên căng thẳng sau quãng thời gian “nồng ấm” trở lại, kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc lắp đặt lá chắn của Mỹ tại châu Âu là hành vi vi phạm Hiệp ước Tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), được ký kết năm 1987; và là “một phần trong chiến lược vận chuyển vũ khí hạt nhân đến Đông Âu”, chứ không phải một hệ thống phòng thủ đơn thuần như tuyên bố của Lầu Năm Góc.

Và do đó, thông tin Nga bí mật thử nghiệm tổ hợp Nudol được các chuyên gia bình luận quân sự xem là “màn đáp trả tương xứng” mà Moscow dành cho Washington và cả NATO. Điện Kremlin cho rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, lá chắn của Mỹ có khả năng vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga trong thời gian đủ để Mỹ có thể tấn công phủ đầu trước bị đáp trả; và rằng, đây chính là hành động nhằm “biểu dương sức mạnh” của cựu đối thủ Chiến tranh Lạnh tại khu vực Trung Âu.

Mỹ - Nga “so găng” lá chắn, bàn cờ Đông Âu thành tốt thí?!

Lực lượng cảnh sát quânđội NATO sau cuộc diễn tập trước thềm Hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 7 tới

Ngoài ra, việc NATO đang cố gắng tìm cách tiến gần tới khu vực Biển Đen - vị trí quan trọng, nơi đồn trú của Hải quân Nga - bằng các hoạt động tuần tra cũng bị Nga xem là hành vi nhằm bao vây nước này (với lý do, muốn “trấn an đồng minh”). Điều đó, theo giới chuyên gia quân sự, sẽ chẳng có lợi gì cho NATO, đặc biệt là những thành viên ở Đông Âu, mà cụ thể là Ba Lan. Bởi, chắc chắn một điều, Moscow không chịu ngồi yên, mà sẽ thực hiện những động thái cần thiết nhằm chống lại mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Thậm chí, một chuyên gia quân sự của Nga đã đưa ra nhận định về “tương lai” có vẻ “vô cùng đen tối” của những nước được Mỹ “chọn mặt gửi vàng”. Theo ông, trong “cuộc chơi” ở Đông Âu, các quốc gia chứa chấp tên lửa Mỹ (như Romania) có thể sẽ là “những nạn nhân duy nhất”. Đến cuối cùng, Moscow và Washington sẽ lại “bắt tay làm lành trên đống hoang tàn của hệ thống ABM Đông Âu” mà thôi!

Mỹ - Nga “so găng” lá chắn, bàn cờ Đông Âu thành tốt thí?!

Mỹ - NATO đang nhấn nút đỏ trong quan hệ với Nga?

Ngày 12/5, Mỹ chính thức kích hoạt lá chắn tên lửa Aegis (ABM) trị giá 800 triệu USD ở căn cứ không quân thuộc Deveselu, miền Nam Romania. Lá chắn tên lửa sử dụng một mạng lưới các radar để theo dõi các mối đe dọa tiềm tàng trong bầu khí quyển, trước khi phóng tên lửa đánh chặn từ một căn cứ trên bộ hoặc từ một tàu chiến. Khi lá chắn tên lửa được kích hoạt, tên lửa của đối phương đang bay đến sẽ bị phá hủy ngay trên không trung, trước khi nó vào lại bầu khí quyển của Trái Đất.

Ngày 13/5, tại Redzikowo (Ba Lan), cách Kaliningrad (Nga) 250km, diễn ra buổi lễ động thổ nhằm lắp đặt tiếp một lá chắn tên lửa Aegis. Dự kiến, cùng với hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải, lá chắn này khi được đưa vào hoạt động năm 2018, sẽ tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 cho NATO.

Khi hoàn thành, “chiếc ô phòng vệ khổng lồ” sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương, với trung tâm chỉ huy được đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ - Nga “so găng” lá chắn, bàn cờ Đông Âu thành tốt thí?!