Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa bác đề nghị mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ vì cho rằng nước ông cần máy bay nhẹ hơn để chống phiến quân.
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết, đề nghị bán F-16, trực thăng tấn công của hãng Lockheed Martin được đưa ra trong lá thư của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross của Mỹ.
Lá thư của chính phủ Mỹ cho biết, quan hệ đặc biệt giữa hai nước sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn bằng cách tăng cường đối thoại và hợp tác, nhất là trong lĩnh vực an ninh. Lá thư cũng nhắc lại chuyện Manila gần đây quyết định mua trực thăng chiến đấu Bell và máy bay tiện ích Cessna, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ là đối tác của nước này trong mọi thương vụ mua sắm quốc phòng nổi bật.
Tuy nhiên, ông Duterte khẳng định Philippines không cần F-16 vì chiến đấu cơ này "hoàn toàn vô ích" với Manila lúc này. Thay vào đó, ông cho biết nước ông cần trực thăng tấn công và máy bay nhỏ để tiến hành chiến dịch chống phiến quân.
Tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết thêm rằng, ông sẵn sàng hội đàm với 3 quan chức Mỹ nói trên về chương trình hiện đại hóa vũ khí của Manila nhưng khẳng định sẽ không đến Washington để gặp họ.
Mặt khác, ông cũng chỉ trích Washington chào mời bán F-16 sau khi "xúc phạm" Manila, có ý nhắc đến việc Mỹ chỉ trích chiến dịch chống ma túy đẫm máu do ông phát động.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng nhắc lại sự thất vọng của mình với Mỹ, bao gồm việc Mỹ từ chối cung cấp khoảng 23.000 súng trường cho cảnh sát Philippines sau khi một số nghị sĩ Mỹ nêu lo ngại về cuộc truy quét của cảnh sát Philippines đối với ma túy bất hợp pháp.
Trước đó, ông Duterte cũng phản đối Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver vì ông này cho rằng Manila không nên mua thiết bị quân sự từ Nga.
Có thông tin Philippines đang có ý mua tàu ngầm Nga, dẫn đến cảnh báo của Mỹ rằng một thương vụ như thế có thể làm tổn thương quan hệ đồng minh lâu năm giữa hai nước. Nhưng ông Duterte đã bày tỏ quyết tâm mua thiết bị quân sự mới để đối phó với các nhóm phiến quân và không còn chấp nhận vũ khí đã qua sử dụng từ Mỹ.