Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, xem Nga, Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất"

Nhật Minh| 28/10/2022 15:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong chiến lược quốc phòng mới được Lầu Năm Góc tối 27/10 (theo giờ Hà Nội), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xác định Trung Quốc và Nga là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất, CNN đưa tin.

Đây là chiến lược quốc phòng đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố sau thời gian dài trì hoãn.

Cùng với đó, Lầu Năm Góc cũng công bố Báo cáo cập nhật về tình hình bố trí vũ khí hạt nhân và Báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Chiến lược quốc phòng mới của Lầu Năm Góc dài 80 trang, coi các đồng minh là “nhân tố chủ chốt” trong thế trận phòng thủ của Mỹ, điều này cũng thể hiện trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm hàn gắn mối quan hệ với các quốc gia đồng minh mà ở thời cựu Tổng thống Donald Trump đã bị “rạn nứt”.

pentagon-building-aerial-file.jpg
Lầu Năm Góc

Trong khi đó, Báo cáo chiến lược quốc phòng mới của Mỹ tiếp tục xem Trung Quốc và Nga là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất”.

Theo CNN, tâm điểm của chiến lược quốc phòng mới là quan điểm “răn đe kết hợp”, sử dụng đồng bộ sức mạnh quân sự (trong đó có kho vũ hạt nhân), áp lực kinh tế và chính trị, cùng các liên minh mạnh mẽ - để ngăn chặn đối thủ.

Báo cáo cũng kiến nghị tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ tối tân, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và vũ khí năng lượng định hướng.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ khẳng định sẽ đưa thêm yếu tố biến đổi khí hậu vào những đánh giá về mối đe dọa, từ đó nâng cao khả năng chống chọi của các cơ sở quân sự, đồng thời tính đến việc xem xét những hiện tượng thời tiết cực đoan trong các quyết định về huấn luyện và trang bị cho các lực lượng vũ trang.

Bên cạnh chiến lược quốc phòng mới, Lầu Năm Góc cũng công bố Báo cáo cập nhật về tình hình bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong đó xác định vai trò của kho vũ khí hạt nhân là ngăn chặn những cuộc tấn công hạt nhân và phi hạt nhân của nước ngoài gây hậu quả chiến lược.

Báo cáo đồng thời đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa và có khả năng tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 trong thời gian tới.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn đưa ra Báo cáo phòng thủ tên lửa của Mỹ, trong đó xác nhận quyết định chấm dứt chương trình phát triển các loại tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm.

Theo quy định, Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền nước này đưa ra báo cáo về chiến lược quốc phòng với tần suất 4 năm/lần. Trước đó, các nghị sĩ Mỹ đã nhận được bản báo cáo mật dài hơn.

Hôm 12/10, Chính quyền Tổng thống Biden hôm 12/10 đã công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh lại tầm quan trọng của đường lối hợp tác với các đồng minh nhằm giải quyết những thách thức hiện nay.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ công bố Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng nhằm mở đường thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2023, trị giá 817 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc và bao gồm các điều khoản nhằm cạnh tranh với các đối thủ chiến lược như Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác.

Ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/10 đã trình bày bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, trong đó đề cập nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến quan hệ của Moscow với phương Tây và quan điểm về trật tự thế giới mới.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Nga nhận định tình hình thế giới tiếp tục diễn biến theo kịch bản tiêu cực, phát triển thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống trên nhiều lĩnh vực.

Theo Tổng thống Putin, trật tự thế giới mới đang được hình thành - mà trong đó cần phải lắng nghe ý kiến của mọi người, tính đến mọi quan điểm, phải dựa trên luật pháp và sự đúng đắn, tự do và công bằng, thay vì áp đặt một chân lý duy nhất. Thương mại thế giới cần phải mang lại lợi ích cho đa số thay vì chỉ dành cho các tập đoàn riêng lẻ, sự phát triển công nghệ cần phải đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng thay vì làm gia tăng tình trạng này.

Về quan hệ với phương Tây, Tổng thống Putin khẳng định nước Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ coi mình là kẻ thù của phương Tây. Ông khẳng định các trung tâm mới của trật tự thế giới đa cực và phương Tây sớm hay muộn sẽ phải khởi động tiến trình đối thoại bình đẳng với Nga về một tương lai chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, xem Nga, Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh lớn nhất"