Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin vừa thông báo khôi phục hoàn toàn thỏa thuận Hiệp ước về việc triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines (VFA).
Theo đó, đăng tải trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delphine Lorenzana đã thảo luận về hàng loạt vấn đề quốc phòng, gồm cả quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về khôi phục hoàn toàn thỏa thuận Hiệp ước về việc triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philippines (VFA - Visiting Forces Agreement).
Bộ trưởng Austin đã nhấn mạnh “tính chất quan trọng sống còn” của hiệp ước liên minh giữa quân đội Mỹ và Philippines - một đồng minh lâu năm của Mỹ ở châu Á.
Theo xác nhận của người đứng đầu Lầu Năm Góc, hợp tác song phương giữa quân đội hai nước vẫn đặc biệt quan trọng đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
VFA có hiệu lực từ năm 1999 và đã cấp quy chế pháp nhân cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ do Mỹ gửi đến Philippines để thực hiện tập trận và các chiến dịch nhân đạo.
Tháng 2/2020, chính quyền Philippines đã thông báo cho Mỹ về việc chấm dứt hiệu lực của VFA. Vào tháng 6 và tháng 11 cùng năm, Philippines đã đình chỉ 6 tháng việc thi hành quyết định trên.
Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm ba nước Đông Nam Á Singapore, Việt Nam và Philippines, trong đó ông dừng chân ở Việt Nam ngày 28-29/7.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến một loạt các nước Đông Nam Á nhằm thể hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden rất quan tâm đến khu vực sau khi một loạt sự kiện tiếp xúc gặp trục trặc.
Chính quyền Tổng thống Biden đã xác định khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên chiến lược và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới các đồng minh và đối tác.
Tài liệu Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của chính quyền Biden được đưa ra hồi tháng ba nêu rõ rằng Mỹ "sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác với Ấn Độ, làm việc cùng với New Zealand, cũng như Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác để thúc đẩy các mục tiêu chung".