Bất chấp tình hình khó khăn sau các lệnh trừng phạt của Mỹ, những tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều người Nga vẫn rất bình tĩnh trước những thách thức và không ngừng ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin.
Căng thẳng không ngừng leo thang khi Mỹ đang tiếp tục công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga và không từ bỏ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong khi đó, những vấn đề cũ liên quan đến vụ Crimea sáp nhập trở lại Nga năm 2014, cuộc khủng hoảng Ukraine hay vai trò của Nga trong cuộc nội chiến tại Syria vẫn chưa tìm được hướng giải quyết.
Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên tại Anh sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27/8. Đây là những lệnh trừng phạt mà Washington công bố hồi đầu tháng này, theo đó sẽ tiếp nối loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp đặt với Nga trong nhiều năm qua.
Theo Công báo Liên bang của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các lệnh trừng phạt mới sẽ chấm dứt nguồn hỗ trợ nước ngoài, một số hoạt động bán vũ khí và cung cấp tài chính cho Nga, cũng như phong tỏa tín dụng và cấm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ an ninh nhạy cảm tới Nga.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên nói rằng, ông muốn có mối quan hệ tốt hơn với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, song thực tế quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Hãng tin RIA cùng ngày dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới này của Mỹ sẽ chỉ tạo thêm căng thẳng giữa hai nước. Còn nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Moscow sẽ có câu trả lời tương xứng.
Trong khi đó, cố vấn An ninh của Tổng thống Trump, ông John Bolton khẳng định, Moscow phải thay đổi “cách hành xử” nếu muốn Washington dỡ bỏ hàng loạt lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua.
Theo ông Bolton những biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào Nga vẫn còn khá “nhẹ nhàng” so với những gì đang được đề xuất tại Quốc hội Mỹ, khi các nghị sĩ cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều muốn chính quyền của Tổng thống Trump thể hiện lập trừng thật cứng rắn với Moscow.
Mỹ càng trừng phạt, người Nga càng ủng hộ ông Putin
Các lệnh trừng phạt mới là minh chứng rõ ràng nhất về sự “xói mòn” trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới. Nga và Mỹ đến nay vẫn duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao, song lập trường đối đầu giữa hai bên dường như không hề lay chuyển.
Trước những ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Oreshkin thừa nhận rằng, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga năm 2018 sẽ giảm xuống mức 1,8% so với dự báo trước đó là 1,9%. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, giới lập pháp Nga khẳng định, Moscow có thể đối phó với những biện pháp thù địch mới nhất của Washington.
Nhiều chuyên gia đã suy tính về những hậu quả có thể xảy ra với nước Nga khi đồng rúp bị yếu đi bao gồm, giảm bớt các khoản chi ở nước ngoài, giá cả trong nước tăng lên và một giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” mới sẽ đến với nước Nga.
Những suy tính trên được đưa ra trong bối cảnh đồng rúp của Nga đã giảm 10% giá trị so với đồng USD kể từ cuối tháng 7, chủ yếu là do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt lên Moscow.
Tuy nhiên, người dân Nga luôn tin rằng nền kinh tế của Nga giảm sút là do tinh thần chống Nga của phương Tây chứ không phải là hậu quả từ các chính sách của ông Putin. Tổng thống Putin không phải là người chịu trách nhiệm cho những vấn đề mà Nga đang phải đối mặt.
Bất chấp tình hình khó khăn sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, những tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều người Nga vẫn rất bình tĩnh, thậm chí sẵn sàng đương đầu với những thách thức từ sự sụt giảm của đồng rúp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuần trước cho biết việc Mỹ áp lệnh trừng phạt với Nga không liên quan tới những động thái của Nga tại các “điểm nóng” như Ukraine hay Syria, mà xuất phát từ động cơ của Washington hòng kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Nga.
Quan điểm trên của đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng nhận được sự đồng tình từ nhiều người Nga. Một số người khác thậm chí vẫn lạc quan ngay cả khi giá trị đồng rúp sụt giảm và không tỏ ra quá bất ngờ vì họ từng chứng kiến những việc như vậy xảy ra trước đây.
Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin bị giảm trong vài tháng gần đây, tuy nhiên các cuộc khảo sát dư luận cho thấy nguyên nhân xuất phát từ chính sách cải cách tiền lương hưu chưa ổn thỏa, chứ không phải do đồng rúp bị yếu đi.
Cũng theo kết quả từ các cuộc thăm dò, việc đồng rúp mất giá có thể tạo thêm tâm lý bất an trong nội bộ người dân Nga, tuy nhiên chưa thể kết luận đó sẽ là chất xúc tác tạo nên những cuộc biểu tình hay ảnh hưởng tới bối cảnh chính trị của Nga hiện nay dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin.
Chính vì vậy, các chuyên gia Nga nhận định, các lệnh trừng phạt mới gần như chắc chắn sẽ không thể làm ông Putin "yếu" đi, ít nhất là trong ngắn hạn.