Cựu Tổng thống Panama Juan Carlos Varela Rodriguez đã bị buộc tội tham nhũng cùng với các nhân vật cấp cao khác. Ông bị buộc tội nhận hối lộ từ công ty Odebrecht.
Ngày 13/7, tin từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã cấm cựu Tổng thống Panama Juan Carlos Varela Rodriguez nhập cảnh vào Mỹ với cáo buộc tham nhũng. Cựu Tổng thống đã bị buộc tội rửa tiền ở Panama cùng với các nhân vật cấp cao khác.
"Hôm nay, tôi thông báo về việc chỉ định cựu Tổng thống Panama, Juan Carlos Varela Rodriguez không đủ tư cách nhập cảnh vào Mỹ do dính líu đến tham nhũng nghiêm trọng", Blinken cho biết trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao.
Ông nói: “Trong khi giữ chức Phó Tổng thống Panama và sau đó là Tổng thống, Varela đã nhận hối lộ để giao các hợp đồng của Chính phủ một cách không chính đáng”.
Ông Blinken nói tiếp: “Chúng tôi hy vọng rằng hành động hôm nay sẽ thúc đẩy các đại diện và chính quyền được bầu của Panama giải quyết nạn tham nhũng cố hữu và trao quyền cho tất cả những ai đứng lên đấu tranh cho pháp quyền. Tham nhũng ở bất cứ đâu cũng gây thiệt hại cho an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ và các đồng minh của chúng tôi".
Tháng 11 năm ngoái, một Thẩm phán người Panama tên là Varela đã hầu tòa vì tội rửa tiền liên quan đến cuộc điều tra hối lộ Odebrecht. Cùng được triệu tập còn có cựu Tổng thống Ricardo Martinelli, người tại nhiệm từ năm 2009 đến 2014, và một số nhân vật cấp cao khác.
Phiên tòa có sự tham gia của tổng cộng 36 nghi phạm, sẽ bắt đầu vào tháng 8. Varela và Martinelli đã bị cấm rời khỏi Panama vào năm 2020 khi cuộc điều tra bắt đầu.
Bị chính quyền Brazil phát hiện năm 2014, vụ bê bối liên quan đến Odebrecht là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Mỹ latin. Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua, tập đoàn xây dựng khổng lồ Odebrecht đã đưa hối lộ khoảng 788 triệu USD cho các chính trị gia và quan chức chính phủ ở 12 quốc gia trên khắp Nam Mỹ, châu Phi và cả tại Mỹ, Thụy Sĩ.
Tập đoàn này dùng tiền hối lộ để đổi lấy hơn 100 hợp đồng xây dựng và các dự án quy mô lớn, như dự án xây đường bộ, đường ống, xe lửa và hệ thống thủy lợi, đem lại lợi nhuận phi pháp lên tới 3,3 tỷ USD cho Odebrecht. Số tiền thực hiện các dự án này thường vượt quá nhiều lần chi phí được các chính phủ phê duyệt, như công trình đường cao tốc liên tỉnh giữa Peru và Brazil do Odebrecht thi công đã đội giá cao gấp bốn lần số tiền ngân sách dự án.
Công ty cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho các hợp đồng công trình công cộng ở các quốc gia khác nơi công ty hoạt động, bao gồm Peru, Mexico, Argentina và Colombia. Các công tố viên cáo buộc Varela và Martinelli sử dụng các công ty bình phong để nhận tiền từ Odebrecht từ năm 2008 đến 2014.