Tin địa phương

Mục tiêu đến năm 2035 TP.HCM và Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thiện đường sắt đô thị

Chu Phương 16/12/2023 - 12:21

Ngày 15/12, đã diễn ra phiên họp thứ 3 Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội và Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tới tham dự và chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, vừa qua Bộ Chính trị có Kết luận 49, trong đó đặt ra mục tiêu mốc thời gian là đến năm 2035 TP.HCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận đây là định hướng chính trị quan trọng và TP.HCM dựa vào Nghị quyết 98 để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Quốc hội để triển khai.

quangcanhphienhopvdsggpo.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi gợi mở một số vấn đề cần được Hội đồng tư vấn và tổ công tác quan tâm thảo luận, góp ý. Theo đó, mốc thời gian, từ tháng 7/2023, TP.HCM đã lập tổ công tác xây dựng đề án theo hướng 200km đường sắt còn lại phải đặt vào tổng thể để triển khai trong 1 đề án, cùng một cơ chế chính sách và khẩn trương hoàn thiện đề án trong năm nay.

TP.HCM nỗ lực để đầu năm 2024 trình Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP.HCM trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình kỳ họp giữa năm 2024, để có đề án về đường sắt đô thị cùng với Hà Nội.

Thảo luận về đề án, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng đề án phải sâu sắc, toàn diện và tính khả thi cao. Đồng thời, phải nhìn ra được những tồn tại hiện nay, phân tích nguyên nhân, giải pháp để có những cơ chế, chính sách phù hợp kiến nghị Trung ương cho cơ chế. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ dưới sự chủ trì của một Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

nguyenttngocdonglan3.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu.

GS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản (thành viên Hội đồng) cho rằng để thực hiện được 200km metro trong 12 năm tới thì cần có các cơ chế thật sự đột phá. Bên cạnh đó, cần phân tích rõ việc triển khai metro thời gian qua vướng mắc ở đâu, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc đó để thực hiện mục tiêu 12 năm tới.

GS. Trần Văn Thọ cho rằng nếu TP.HCM thành công xây dựng 200km metro trong 12 năm tới sẽ đóng góp quan trọng để Việt Nam tiến tới phát triển vào năm 2045. Đề án này cũng sẽ xây dựng ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam.

gstranvantholan3.jpg
GS. Trần Văn Thọ phát biểu.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích cần xác định đây là dự án trọng điểm của quốc gia, đi song hành cùng đề án phát triển metro của Hà Nội và thực hiện chiến lược tuyên truyền về sự cần thiết của đề án.

Về quy hoạch, PGS Trần Hoàng Ngân đề nghị cần hoàn thiện đồng bộ đề án với các cấp độ quy hoạch và các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… cũng cần biết các tuyến metro này có kết nối để thực hiện quy hoạch phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu đến năm 2035 TP.HCM và Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thiện đường sắt đô thị