Trong căn phòng trọ rộng chỉ khoảng hơn 10m2 ở ngõ Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), có một cậu sinh viên nghèo quê Nam Định từng nhặt được 320 triệu đồng rồi trả lại người đánh mất.
Cuộc sống khó khăn
Tôi gặp Cảng lần đầu tiên tại buổi lễ chào tân sinh viên của trường Đại học Điện lực. Năm nay, màn chào sinh viên khóa mới của trường hoành tráng và đặc biệt hơn mọi năm bởi sự xuất hiện của Phó Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội, nhiều phóng viên và đặc biệt là sự xuất hiện của chàng trai tốt bụng Vũ Huy Cảng, đã có hành động đẹp “nhặt được của rơi trả người đánh mất”.
Vũ Huy Cảng (sinh năm 1995) là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ Cơ khí, trường Đại học Điện Lực Hà Nội.
Tôi vẫn nhớ hôm đó, Cảng mặc áo sơ mi trắng còn “quên” không đóng thùng, dáng người mảnh, da ngăm đen có lẽ bởi một phần đày nắng chạy xe ôm đứng trên sân khấu nhận hoa, Cảng nói ngắn gọn còn nhanh hơn cả tiếng vang của cả sân trường vỗ tay: “Tôi tin ai ở vị trí của tôi cũng sẽ trả lại tiền cho người mất. Tôi không muốn được chú ý chỉ vì một việc làm hết sức bình thường”.
Vũ Huy Cảng (sinh năm 1995) là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ Cơ khí, trường Đại học Điện Lực Hà Nội. Lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ làm ruộng, hết vụ mùa lại phụ thêm xách vữa nên cũng không khó hiểu khi trông Cảng có gì đó lam lũ. Nhà Cảng có tất cả 4 anh em trai, Cảng là áp út, trên có hai anh trai đã lập gia đình, dưới Cảng còn một em nhỏ năm nay đang học lớp 5.
Anh trai Cảng hiện đang là kỹ sư nông nghiệp, thời còn đi học khó khăn vô cùng, hơn ai hết anh hiểu sự vất vả của sinh viên khi gia đình không có điều kiện. Năm Cảng thi đại học, anh cả đã hướng cho Cảng thi vào trường Đại học Điện lực với hy vọng sau này có công việc ổn định. Anh cũng là người hỗ trợ giúp Cảng có tiền đóng học phí.
Năm 2013, Cảng bước chân vào giảng đường đại học đầy bỡ ngỡ. Để tiện cho việc học hành, Cảng thuê trọ ở gần trường. Biết gia đình không có điều kiện, Cảng cũng cố gắng tiết kiệm, làm thêm để phụ giúp gia đình tiền học phí.
Thời điểm năm cuối, đi thực tập nhiều nên không phải đến trường học, cũng đang trong giai đoạn làm đồ án, cần nhiều tiền lại không muốn phải xin gia đình quá nhiều, sẵn xe máy trong tay Cảng nhận chạy xe Grab để kiếm thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi. Cứ như vậy, ai đặt xe thì Cảng nhận, một ngày tiền chạy xe không nhiều nhưng cũng có thêm khoảng 100.000 đồng trang trải tiền sinh hoạt phí.
Chuyến xe ôm “định mệnh”
Chưa bao giờ nghĩ lại có ngày mình rơi vào hoàn cảnh như vậy và chuyến xe ôm “định mệnh” trưa ngày 20/10 đã đến một cách ngẫu nhiên, tình cờ một cách lạ kỳ lạ khiến chính Cảng cho đến thời điểm này vẫn không thể hiểu.
Trưa hôm đó, Cảng kể khi đang chạy xe ôm ở khu vực Mỹ Đình, lúc qua ngõ Đình Thôn thì có một anh mặc đồ xây dựng vẫy xe. Lúc lên xe, người này chỉ nói chở anh ấy đến gần cầu Vĩnh Tuy, đoạn đường đi dài hơn 20km.
Địa chỉ đến là trụ sở ngân hàng Vietcombank ở gần cầu Vĩnh Tuy. Khi đến đây, Cảng kể vị khách kêu Cảng chờ khoảng 30 phút rồi quay trở ra. Sau đó, người này có nhờ Cảng cất hộ túi đồ vào trong cốp rồi tiếp tục di chuyển.Trả khách tại ngõ 180 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), vị khách trả tiền xe đầy đủ nhưng chiếc túi vô tình bị cả hai bỏ quên khi kết thúc hành trình, chỉ khi về đến nhà Cảng mới giật mình nhớ ra.
Phát hiện trong túi đồ khách bỏ quên là những xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng, Cảng bỏ cả công việc để đi tìm người thanh niên hồi trưa, địa điểm đầu tiên là ngõ 180 Trần Duy Hưng nhưng do thời điểm đó nhiều người qua lại nên không ai nhận ra. Trong đầu nam sinh viên Điện lực ngập lo lắng, hoang mang, một phần sợ nguy hiểm, cạm bẫy, một phần sợ số tiền có vấn đề. Suy nghĩ đầu tiên của Cảng là làm sao trả lại số tiền nhanh nhất có thể, Cảng tiếp tục quay về ngân hàng nơi vị khách rút tiền nhưng ngân hàng đóng cửa.
Cảng kể chuyện với chủ nhà và được khuyên nên giao nộp cho công an. Cũng muốn nhanh chóng tìm được người đánh mất nên Cảng ra công an phường trình báo. Cảng nhớ lại: “Em nghĩ nếu tiền của anh ấy thì cũng cả tuổi trẻ mới làm ra, còn nếu không cũng của nhiều người góp vào. Bây giờ mất là khổ anh ấy, biết đâu còn vướng vào vòng lao lý hay con cái, vợ con khổ cực vì mất số tiền đó. Vậy là em chạy qua khắp mọi nơi để tìm, chỉ mong làm sao trả lại được cho người ta một cách an toàn nhất”.
Trong khi Cảng trình báo ở công an phường Quang Trung (quận Đống Đa) thì vị khách trình báo tại công an Trung Hòa (quận Cầu Giấy) nên may mắn đến gần 1 giờ sáng ngày 21/10, sự việc đã được giải quyết, Cảng xác minh và trao trả đồ lại cho người mất với tâm trạng nhẹ nhõm.
Kể lại câu chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua, trên khuôn mặt chàng sinh viên Điện lực vẫn không khỏi hồi hộp. Cảng hạnh phúc với điều mình đã làm được, sống đúng với suy nghĩ của bản thân và hơn hết là không phụ công sức và sự tin tưởng của bố mẹ.
Sự trung thực của Cảng đã được mọi người ghi nhận, càng cảm phục hơn khi đó lại là hành động của một cậu sinh viên nhà không phải dư dả, đi chạy xe ôm để có thêm thu nhập, bớt xin tiền bố mẹ. Với hành động đẹp đó, Cảng đã được nhà trường thưởng “nóng” 2 triệu đồng kèm bằng khen. Hội Sinh viên thành phố cũng tặng bằng khen cho hành động “nhặt được của rơi trả người đánh mất” của Cảng.
Mùa xuân “đầu tiên”
Gần 2 tháng sau ngày Cảng nhặt được số tiền lớn rồi trả lại, hôm nay tôi hẹn gặp Cảng vào một chiều đông lạnh, ngoài trời còn mưa xuân. Cảng ra mở cửa và dẫn tôi vào căn phòng của cậu và một người bạn đang ở ghép. Căn phòng nhỏ chỉ hơn 10m2 nhưng mọi đồ vật được bày bố gọn gàng và quy cũ.
Cảng kể chuyển đến đây cũng gần được 1 năm, thời gian qua cũng có không ít người ghé thăm, người lạ có, người quen có nhưng phần lớn là người thân họ hàng đến chúc mừng, động viên “đứa cháu tốt bụng”. Câu đầu tiên Cảng nói với tôi: “Hôm đó, em phải tắt điện thoại 1 ngày rưỡi vì có quá nhiều người liên lạc. Giống như một món ăn phải ăn đi ăn lại nhiều mãi thành ra ngán, giờ nhắc lại chuyện nhặt được số tiền em vẫn còn sợ”.
Chỉ hơn một tháng chạy xe nhưng phải trải qua một tình huống quá bất ngờ, Cảng nghỉ làm ngay sau đó, một phần cũng vì sự việc nhưng phần nhiều là Cảng muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc đi làm đúng chuyên ngành để tăng thêm kinh nghiệm.
Cuộc sống của Vũ Huy Cảng không có quá nhiều thay đổi sau khi trả lại số tiền lớn, có chăng Cảng tự nhận mình bớt đen và gầy hơn trước vì không phải đi chạy xe ôm. Thêm một cái mới là được mọi người hỏi thăm, quan tâm giúp đỡ, được gia đình động viên. Thậm chí, còn có những người sẵn sàng đứng ra nhận giúp Cảng tìm được một công việc ổn định. Còn về cơ bản Cảng cho rằng: “Nhìn chung cuộc sống của em vẫn như vậy”.
Tết năm nay, cái Tết đầu tiên sau 4 năm rưỡi học tập, Cảng được bước ra ngoài cánh cửa nhà trường, được đứng trên đôi chân của mình không phải với tư cách là một chàng sinh viên. Cảng cười giòn chia sẻ đang chờ ngày lấy bằng vì đến cuối tháng 12 sẽ bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Cuộc sống cho những ngày chuẩn bị ra trường của Cảng khá bận rộn, sáng sang Bắc Ninh làm việc, chiều tối lại về Hà Nội học thêm tiếng Anh.
Cảng hy vọng, sau khi ra trường sẽ tìm được một công việc hợp lý. Đầu tiên, Cảng sẽ phụ bố mẹ nuôi cậu em trai nhỏ đi học để san sẻ bớt gánh nặng cho phụ huynh đã ở tuổi ngũ tuần.
Cái Tết năm nay sẽ là một cái Tết ấm cho gia đình Cảng khi gia đình đón nhiều tin vui, Cảng hoàn thành việc học tập, gia đình đón thêm thành viên mới. Tấm bằng khen “Đã có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại người mất” treo trên tường do Hội sinh viên tặng giống như một phần thưởng khích lệ tinh thần không chỉ cho Cảng mà đó còn là niềm tự hào của chính gia đình em.