Mùa mưa, ở vùng bảy Núi An Giang, nhiều thứ “lộc trời” được xem là nguồn dược liệu trời ban, trong đó có Mộc Bá Huê hay còn gọi là “Ngọc cẩu” mọc ký sinh ở hang đá, vách núi. Loại nấm mọc hoang này được xem là thảo dược quý mỗi khi đội sưu tầm dược thu lượm về tặng các phòng thuốc Đông y.
Sau những cơn mưa, trời hửng nắng cũng là lúc Mộc Bá Huê phát triển mạnh, để hái những củ và bông nấm đạt kích cỡ, đội ngũ sưu tầm dược ở các nhà thuốc nam vùng Bảy Núi cũng chọn thời điểm sao cho thích hợp.
Thường thì nấm Mộc Bá Huê nở rộ vào tháng 8 đến tháng 9 đến hết mùa mưa theo các khe đá, vách núi len lỏi trong những cánh rừng sâu âm u, nhất là sau những trận mưa dầm.
“Mộc Bá Huê là dược liệu rất tốt để tăng cường sức đề kháng, tâm sinh lý phụ nữ hoặc đàn ông. Mùa mưa, nó trồi lên từ rễ cây điên điển Tây, cây Da hay cây Lâm Vồ. Khi anh em tôi đi rừng mà gặp được nó là mừng lắm nên thu lượm về để làm thuốc trị bệnh cho bà con nghèo”, ông Dương Nhật Quang, người sưu tầm thuốc Nam ở Chi hội Đông y khóm Trà Sư, phường Nhà Bàng nói.
Theo kinh nghiệm của người "sành sỏi" thì cứ sau 2 hoặc 3 ngày mưa kéo dài, trời bắt đầu hửng nắng cũng là lúc họ lên rừng “săn tìm” thảo dược. Dụng cụ mang trên lưng là chiếc túi ba lô, bao nilon, trên tay cầm rựa, xuổng sắt nhỏ, chân mang ủng để tránh rắn độc rồi nhanh chân băng qua những cánh rừng già, ô đá, khe suối.
Để tìm được Mộc Bá Huê, những người sưu tầm dược chọn điểm dừng chân khi chinh phục được độ cao, dốc núi hiểm trở, bắt đầu quan sát rồi đi ra nhiều hướng thu lượm. Nấm Mộc Bá Huê, dân gian còn gọi là “Ngọc cẩu” có hai dạng: bông đực và bông cái thường ẩn dưới tán rừng già. Nấm mọc nhiều hay ít cũng tùy vào thổ nhưỡng từng nơi.
Chia sẻ khó khăn khi tìm thuốc quý ở đỉnh núi Dài 5 Giếng, ông Nguyễn Văn Vũ ở khóm Trà Sư cho biết: “Hiện tại, thuốc ở dưới chân núi không còn nhiều mà tồn tại ở đỉnh núi hoặc vách đá cheo leo, hiểm trở. Cho nên mỗi lần chúng tôi đi khai thác thì phải vượt qua nhiều đoạn đường xa và cua dốc nguy hiểm, trời mưa lại càng khó đi hơn, có khi đi cả ngày mới tìm thấy nấm xuất hiện, nhiều lúc lạc hướng là sẽ không có cái gì mà mang về.”
Khi nấm bị tận diệt do 2 năm gần đây nhiều người từ phương xa lên rừng săn lùng thì xem ra công việc sưu tầm của "thợ săn" ở An Giang thật vất vả.
Trước đây, mỗi mùa mưa, thầy Vũ thuốc Nam cùng đội sưu tầm thuốc núi thường lượm được vài chục bao, nay nguồn nấm rất khan hiếm, dù trời mưa nhiều nhưng phải vượt rừng đổ mồ hôi nước mắt từ sáng cho tới tối thì mới có vài chục ký mang về.
Sau khi vác xuống núi, Mộc Bá Huê được rửa sạch, phơi khô hoặc sấy sử dụng liền, nấm tươi đem ngâm với rượu 40-50° dùng làm thuốc. Thuốc rượu sau thời gian 1-2 năm đem ra xài có tác dụng bồi bổ thận, hỗ trợ sinh lý, kết hợp Đông, Tây y thì hữu hiệu trong điều trị cho người chậm có con.
Nói thêm về công dụng của thảo dược này, anh Vũ- Lương y Phòng chẩn trị Đông y khóm Trà Sư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết: “Mình thu hái loại nấm này về phơi 9 nắng mới khô, Ngọc cẩu ở đây có màu vàng nên hỗ trợ tỳ vị, tăng đề kháng, tăng bổ khỏe, tăng sức lực; còn bông cái thì chúng tôi dành ngâm rượu hỗ trợ vấn đề vô sinh, hiếm muộn cho người chậm có con...
Ngâm vài năm lấy ra cho bệnh nhân uống, nếu người bệnh áp dụng công thức uống kiên trì theo thầy thuốc đông y thì khả năng sinh con rất khả quan. Mộc Bá Huê còn được thầy thuốc như chúng tôi dùng hỗ trợ bệnh nhân điều trị lao phổi suy kiệt và phổi ứ nước rất công hiệu khi đem chưng cách thủy với đường phèn.”
Rủ nhau hái “lộc trời” trên rừng núi ở An Giang là công việc thiện nguyện mà những người tầm dược có tâm ở miền núi An Giang dốc hết sức chỉ mong muốn đem lại sức khỏe cho người dân còn khó khăn.
Sau những ngày đi rừng vất vả, công việc bắt mạch hốt thuốc y học cổ truyền bên triền núi Trà Sư của những người vừa là thầy thuốc vừa săn tầm dược cảm thấy hạnh phúc hơn khi phòng thuốc của họ ngày càng giúp thêm được nhiều người nghèo vượt qua nỗi đau, bệnh tật.