Vấn đề quan tâm

Mua bán trên “chợ vàng” online: Coi chừng rủi ro

Đ. Việt 06/02/2025 - 15:27

Sát ngày vía Thần tài, giá vàng tăng mạnh, biên độ giữa giá mua-bán chênh lệch cao dẫn tới tình trạng một số người lựa chọn mua bán vàng, nhất là vàng miếng SJC trên các hội nhóm online, thay vì đến cửa hàng vàng hỏi mua trực tiếp. Việc này tiềm ẩn rủi ro ra sao và có vi phạm quy định pháp luật không là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm.

Khi thị trường vàng “nóng” trở lại và chênh lệch giữa giá mua - bán vàng bị đẩy quá xa, nhiều hình thức chào mời mua bán vàng trên mạng xã hội giữa cá nhân với cá nhân đã xuất hiện.

ban-vang.jpg
Chợ mua bán vàng nhộn nhịp trên mạng xã hội.

Nếu không tìm hiểu kỹ, nhiều người sẽ tưởng rằng phương thức mua bán vàng này giúp tiết kiệm chênh lệch giá nhưng có thể là “lợi bất cập hại” khi có thể đối mặt với các rủi ro như: mất tiền cọc đã chuyển khoản; mua phải vàng nhái, vàng giả, vàng không đúng tuổi…

Theo quy định, chỉ những ngân hàng và doanh nghiệp được nhà nước cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng. Vì vậy, ngoài việc đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn nêu trên, người mua bán vàng miếng online còn có thể bị cơ quan chức năng xử phạt nếu phát hiện mua bán vàng ở những nơi không được cấp phép.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Luật sư Nguyễn Thị Huế, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Căn cứ Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng thì hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Tổ chức, cá nhân không được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng thực hiện việc mua bán vàng miếng với cá nhân, tổ chức là trái quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.

luat-su-nguyen-thi-hue.jpg
Luật sư Nguyễn Thị Huế

“Nếu các doanh nghiệp bán vàng trang sức mỹ nghệ, cá nhân không được cấp phép kinh doanh vàng miếng nhưng vẫn giao dịch với người dân, hoặc người dân tự trao đổi mua bán vàng với nhau là hoạt động trái quy định và sẽ bị xử phạt”, luật sư Huế nhấn mạnh.

Dẫn chứng cụ thể, Luật sư Huế cho hay Điều 3 và Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định, tổ chức mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo.

Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Còn cá nhân mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ bị xử phạt cảnh cáo. Trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, việc mua bán vàng miếng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ hợp lệ có thể bị coi là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Mức phạt dao động từ 300.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm, cùng với hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, (Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định việc mua bán vàng SJC qua mạng đối với tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh vàng miếng là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.

luat-su-nguyen-doan-hung-1-.jpg
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng

Luật sư Hùng cho rằng việc cá nhân rao bán vàng miếng SJC trên các hội nhóm, diễn đàn, trang mạng xã hội có thể rơi vào hai trường hợp:

Trường hợp 1: Cá nhân bán vàng miếng với mục đích trao đổi, tích trữ tài sản cá nhân. Nếu chỉ là giao dịch nhỏ lẻ giữa các cá nhân như: bán lại vàng do nhu cầu cá nhân, không mang tính chất kinh doanh thường xuyên, thì không bị xem là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, như không có bảo đảm pháp lý về nguồn gốc vàng, dễ xảy ra lừa đảo hoặc tranh chấp.

Trường hợp 2: Cá nhân bán vàng miếng với mục đích kinh doanh. Nếu việc mua bán mang tính chất thường xuyên, có tổ chức, nhằm mục đích kinh doanh sinh lời, thì bị coi là kinh doanh vàng trái phép, vi phạm pháp luật nếu không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, để tránh bị xử phạt và đối mặt với các rủi ro, Luật sư Hùng khuyến nghị nếu cá nhân mua bán vàng miếng SJC để tích trữ, nên giao dịch tại các cửa hàng vàng được cấp phép để đảm bảo tính hợp pháp và tránh rủi ro. Còn nếu tham gia mua bán vàng miếng qua mạng, hãy thận trọng với nguồn gốc vàng, phương thức thanh toán và rủi ro lừa đảo. Trong trường hợp có ý định kinh doanh vàng miếng SJC, cần xin cấp phép theo quy định để tránh vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán trên “chợ vàng” online: Coi chừng rủi ro