Một số khó khăn, vướng mắc trong xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Theo TS. Nguyễn Văn Cường| 19/01/2022 11:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến xét xử phúc thẩm vụ án hành chính còn nhiều vướng mắc, TS. Nguyễn Văn Cường, Chánh Tòa - Tòa Hành Chính TANDCC tại Hà Nội đã có một số đề nghị hướng dẫn về hành vi hành chính là đối tượng khởi kiện.

TS. Nguyễn Văn Cường cho biết, Tòa án thụ lý đơn đương sự chỉ khởi kiện hành vi không giải quyết khiếu nại, nhưng không khởi kiện quyết định hành chính.

Hiện nay có 2 quan điểm khác nhau: Quan điểm 1: Trường hợp thấy cơ quan hành chính chưa giải quyết khiếu nại thì buộc cơ quan hành chính thực hiện hành vi giải quyết khiếu nại; Quan điểm 2: Theo Khoản 2 Điều 193 LTTHC thì Tòa án phải xem xét tất cả các quyết định hành chính có liên quan để đảm bảo toàn diện vụ án.

tp-cuong-tndccthn.jpg
TS. Nguyễn Văn Cường, Chánh Tòa - Tòa Hành Chính TANDCC tại Hà Nội

Quyết định hành chính giải quyết khiếu nại bị khởi kiện nhưng nội dung giải quyết khiếu nại không phải là hành vi hành chính, quyết định hành chính (Hiện Tòa án cấp cao đang có vụ án hành chính phúc thẩm về khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc sở y tế, trả lời khiếu nại bệnh nhân về hành vi khám, chữa bệnh của y sĩ, bác sĩ đối với bệnh nhân đó). Trường hợp này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không? Có quan điểm cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết, vì quyết đinh giải quyết khiếu nại không xuất phát từ quyết định hành chính. Có quan điểm cho rằng, cứ là quyết định hành chính Tòa án phải thụ lý giải quyết, khi giải quyết xem xét các quyết định giải quyết khiếu nại khác.

Thực tiễn giải quyết tại Tòa án, khi hủy quyết định hành chính, thường áp dụng điểm b khoản 2 Điều 193 LTTHC, buộc người bị kiện thực hiện nhiệm vụ công vụ. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần tuyên cụ thể thực hiện nhiệm vụ và công vụ cụ. Trường hợp người khởi kiện đã nộp tiền cho Uỷ ban nhân dân theo quyết định hành chính, nay hủy quyết định thì có buộc UBND trả lại không hay giao UBND giải quyết theo thẩm quyền, vì ngoài việc trả tiền liên quan tới lãi xuất, thiệt hại người bị kiện phải bồi thường.                    

Vụ án tranh chấp dân sự có quyết định hành chính nhưng đương sự chỉ khởi kiện xem xét quyết định hành chính, không yêu cầu giải quyết dân sự. Theo Công văn 64 thì Tòa án thụ lý giải quyết khởi kiện quyết định hành chính. Thực tiễn giải quyết khó khăn, vì khi xem xét trình tự ban hành quyết định hành chính phải xem xét quan hệ về dân sự. Ví dụ: Hủy GCNQSDĐ thì phải xem xét Hợp đồng cho mua bán, hợp đồng tặng cho…

Về thời hiệu khởi kiện: Theo nghị quyết số: 104/2015/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội thìCác vụ án hành chính phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 104 của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12. Đối với các vụ án hành chính phát sinh kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 116 của Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13”.

Do vậy, các vụ án hành chính phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 áp dụng Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC nêu trên, thấy: việc tách cụm từ “nhận được hoặc biết được” thành hai cụm từ độc lập “nhận được” và “biết được”, đồng thời chia thành 2 trường hợp độc lập là không đúng với tinh thần của Luật tố tụng hành chính năm 2010, không phù hợp với thực tiễn. Vì theo Từ điển tiếng việt thì nghĩa của từ “hoặc” được hiểu “biểu thị quan hệ giữa nhiều (thường là hai) khả năng khác nhau, không khả năng này thì khả năng kia, ít nhất có một khả năng được thực hiện, đồng nghĩa với từ hay, hay là”.

Thực tiễn có dự án xẩy ra lâu (năm 1994…). Thời điểm đó khi giao quyết dịnh hành chính đương sự không nhận; trường hợp gia đình có 5 người nhưng UBND chỉ giao 01 bản quyết định; có người nhận thay nhưng nay họ không công nhận việc đã nhận quyết định....

Như vậy, nội dung của điều luật “nhận được” hay là “biết được” đều như nhau về khả năng và điều kiện, đương sự phải có trách nhiệm tìm hiểu quyết định hành chính khi thấy quyền lợi của họ bị xâm phạm để tự bảo vệ mình và thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự, nhà nước không thể làm thay đương sự việc này, đặc biệt đương sự có ý thức chống đối. Đề xuất sửa Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29-7-2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC theo hướng: trường hợp có căn cứ chứng minh đương sự biết được quyết định, thì tính từ thời điểm đương sự biết.

Giải quyết trường hợp người thứ 3 ngay tình khi đương sự khởi kiện hủy GCNQSDĐ nhưng đất đã chuyển nhượng cho nhiều người khác (có truwongf hợp đã chuyển giao 5 người) hoặc đã sử dụng thế chấp Ngân hàng. Vậy khi có căn cứ hủy GCNQSDĐ đầu tiên (số 2) thì có hủy các GCNQSD đất (03 giấy) tiếp theo hay không, mặc dù các giấy cấp sau đều đúng trình tự, thủ tục hoàn toàn ngay tình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số khó khăn, vướng mắc trong xét xử phúc thẩm vụ án hành chính