Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy, phần lớn các phán quyết của Tòa án đã đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Tòa án cũng phát hiện kịp thời những sai sót trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước để chấn chỉnh.
Trong quá trình nghiên cứu xem xét, giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC thấy một số bản án hành chính có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, khi áp dụng Luật Tố tụng hành chính để giải quyết còn có vi phạm thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Vì vậy, chúng tôi xin đề cập đến những nội dung và lỗi thường gặp trong quá trình giải quyết vụ án cũng như cách khắc phục sai sót qua một số chuyên đề cụ thể như sau:
Sai sót về áp dụng pháp luật tố tụng
Trong quá trình nghiên cứu xem xét, giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC thấy một số bản án hành chính có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp, khi áp dụng Luật Tố tụng hành chính để giải quyết còn có vi phạm thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Quang cảnh buổi tập huấn nghiệp vụ trực tuyến về giải quyết các vụ án hành chính tại TANDTC
Những vụ việc như vậy, Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; hoặc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại; hoặc hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án; hoặc sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Một trong những sai sót khi áp dụng pháp luật tố tụng hành chính thường gặp là sai sót về áp dụng pháp luật về tố tụng trong việc xem xét thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính trong việc xác định quyết định hành chính (QĐHC) là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định:
“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Từ khái niệm trên về QĐHC và QĐHC bị kiện, khi Tòa án xem xét thụ lý đơn khởi kiện cần có sự đánh giá, xác định thận trọng; trong thực tiễn có trường hợp một văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể, gọi là quyết định hành chính.
Nhưng trong nội dung văn bản đó chưa làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc chưa có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì quyết định đó không phải là QĐHC bị kiện; nếu đương sự khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Tòa án hủy quyết định đó. Tòa án đã thụ lý và giải quyết là không đúng quy định của pháp luật.
Một ví dụ cụ thể về vụ án hành chính xảy ra tại TP Hồ Chí Minh như sau: Tranh chấp quyền đất đai của hai gia đình tại huyện Hóc Môn, được Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn giải quyết và ban hành Quyết định số 256/QĐ-UB (lần 1). Tiếp đến, do có khiếu khiện, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ban hành Quyết định số 352/QĐ-UBND giải quyết tranh chấp với nội dung giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu (Quyết định 256/QĐ-UB).
Vì vụ việc sau hai lần chính quyền giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục có khiếu nại nên sau đó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 156/QĐ-UB về việc giải quyết đơn với nội dung: Bác đơn khiếu nại và công nhận nội dung quyết mà Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn đã giải quyết là đúng quy định của pháp luật (Quyết định số 352/QĐ-UBND).
Sau đó, để thi hành các quyết định này (Quyết định 256/QĐ-UB), Thanh tra xây dựng UBND huyện Hóc Môn ban hành Thông báo số 04/TB-TTXD về ngày giờ đo vẽ hiện trạng, cắm ranh đất và tiến hành đo đạc ranh giới thửa đất. Sau đó, các cơ quan chức năng đã hoàn tất công việc mà các quyết định trước đó nêu ra.
Cần xác định đúng đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Không đồng ý với Thông báo số 04/TB-UBND nêu trên, nên một trong các bên tranh chấp đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy Thông báo số 04/TB-TTXD của Chánh Thanh tra xây dựng huyện Hóc Môn. Đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do các quyết định trước đó của huyện Hóc Môn và TP Hồ Chí Minh đã ban hành…
Trong vụ án này, đối tượng khởi kiện là Thông báo số 04/TB-TTXD của Thanh tra xây dựng huyện Hóc môn có nội dung: “… vào lúc 8 giờ 30 ngày 28/12/2012 tại vị trí thửa đất số 150, 151, 152, 154 tờ bản đồ số 11 …; UBND huyện … sẽ tổ chức đo đạc xác định ranh đất ngoài thực địa phần đất có vị trí. Diện tích 540m2 … và cắm ranh từng phần đất mà các hộ được công nhận sử dụng để tổ chức thực hiện Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh”.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm, Tòa án bác đơn khởi kiện của người khởi kiện yêu cầu hủy bỏ Thông báo số 04/TB-TTXD…
Không đồng ý bản án hành chính sơ thẩm nêu trên, nên đương sự có đơn kháng cáo đối với toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm.
Tại Bản án hành chính phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên quyết định của bản án hành chính sơ thẩm.
Sau đó, người khởi kiện tiếp tục có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khi xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, có nhiều ý kiến cho rằng Thông báo số 04/TB-TTXD ngày 21/02/2012 của Chánh Thanh tra xây dựng huyện Hóc Môn không phải là Quyết định hành chính bị kiện vì Thông báo số 04/TB-TTXD chưa làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn (bà Minh), nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính này.
Vì còn có ý kiến khác nhau về đối tượng khởi kiện vụ án hành chính này, nên cần có sự áp dụng thống nhất pháp luật để giải quyết yêu cầu khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm của bà Minh nói riêng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nói chung, TANDTC đã thống nhất quan điểm: Thông báo số 04/TB-TTXD chưa làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nên không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Vì Tòa án hai cấp đã thụ lý và giải quyết vụ án hành chính, về bản chất nội dung vụ án Tòa án hai cấp đều bác yêu cầu khởi kiện đối với Thông báo số 04/TB-TTXD, nên chưa làm ảnh hưởng gì đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện cũng như của các đương sự khác; do đó theo qui định Điều 255 Luật Tố tụng hành chính, không có căn cứ để kháng nghị vụ án hành chính này, nên TANDTC đã cho ban hành thông báo trả lời đơn (theo nguyên tắc chung là TANDTC thấy không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm số…, mà không phân tích chi tiết).
Tuy nhiên, đây là sai sót cần được rút kinh nghiệm chung, chỉ khi nào một văn bản (quyết định hành chính) làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đương sự khởi kiện vụ án hành chính thì quyết định đó là quyết định hành chính bị kiện, là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Bài 2: Sai sót về thời hiệu khởi kiện và thẩm quyền thụ lý vụ án hành chính