Một số đề xuất quan trọng của ngành Tòa án

Mai Thoa| 17/09/2021 12:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TANDTC vừa có báo cáo sơ bộ gửi UBTVQH về công tác ngành Tòa án năm 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/7/2021). Trước đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đã có phiên họp tiến hành thẩm tra về báo cáo này.

Chưa phát hiện trường hợp kết án oan

Theo báo cáo của TANDTC, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó có các hoạt động xét xử của các Tòa án. Tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp; các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn xảy ra nhiều, gay gắt và phức tạp về tính chất. Số lượng các loại vụ án, vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

phien-hop-ubtvqh.jpg
Phiên họp thứ 3 UBTVQH.

Tòa án các cấp đã tổ chức triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới hoạt động trên các mặt công tác; nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Về cơ bản, các Tòa án đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

Theo đó, năm 2021, các Tòa án đã thụ lý 510.928 vụ việc, đã giải quyết 363.527 vụ việc (đạt 71,15% trong tổng số vụ án đã thụ lý); so với cùng kỳ năm trước, thụ lý giảm 39.902 vụ việc, giải quyết giảm 45.381 vụ việc. Trong đó, về hình sự, các Tòa án đã thụ lý 77.446 vụ, với 141.101 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được đạt 81,41% về số vụ và 77,47% về số bị cáo.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, trong thời gian giãn cách, TANDTC đã chỉ đạo tòa các cấp vẫn nghiên cứu hồ sơ đầy đủ. Cùng với đó là giao chỉ tiêu giải quyết các vụ án. Đồng thời, Thẩm phán phải phôtô các tài liệu chính để nghiên cứu, vừa bảo đảm an toàn bí mật, không được làm mất tài liệu, sau đó đến cơ quan để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.

Ngoài ra, ngành Tòa án cũng thực hiện việc điều động, phân công các Thẩm phán từ nơi có số lượng án ít sang nơi có số lượng án nhiều để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án.

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo nói trên của Thường trực Ủy ban Tư pháp đầu tuần trước, nhóm nghiên cứu của ủy ban này cũng có báo cáo đánh giá: Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xét xử. Tuy vậy, lượng án hình sự mà các tòa đã giải quyết chỉ giảm 4,4% số vụ và hơn 5,5% số bị cáo. Điều đó cho thấy các Tòa án đã nỗ lực rất lớn trong công tác xét xử các vụ án hình sự.

Theo nhóm nghiên cứu nhận xét, các Tòa án đã thụ lý 362 vụ, với 1.039 bị cáo phạm tội tham nhũng; đã xét xử 186 vụ, với 440 bị cáo . Trong kỳ báo cáo mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của nhà nước. Đồng thời chú trọng áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và vận động người phạm tội tự nguyện nộp tài sản đã chiếm đoạt.

Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, các Tòa đã xét xử sơ thẩm 25 vụ, phúc thẩm chín vụ, giám đốc thẩm hai vụ. Các Tòa án đã chú trọng giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự; tịch thu công cụ, phương tiện phạm tội hoặc những tài sản do phạm tội mà có. Việc xét xử các vụ án được nhóm nghiên cứu đánh giá là bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn theo kế hoạch của ban chỉ đạo đề ra; không trường hợp nào bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại về phần trách nhiệm hình sự…

Các Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người phạm tội liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu.

Đặc biệt, nhóm nghiên cứu nhận định chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan; chất lượng xét xử được nâng lên; tỉ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm trước và đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, tỉ lệ án bị hủy 0,76% (do nguyên nhân chủ quan 0,53%, giảm 0,13%), bị sửa 4,87% (sửa do nguyên nhân chủ quan 0,2%, giảm 0,04% so với cùng kỳ năm trước).

Thiếu biên chế phục vụ công tác xét xử

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, năm 2012 ngành Tòa án được phân bổ 15.000 biên chế. Số lượng án phải giải quyết khi đó là 300.000 vụ. Đến năm 2020, ngành phải giải quyết 600.000 vụ, tức là khối lượng công việc gấp đôi nhưng biên chế lại phải giảm 10%. Từ đó, đồng chí Phó Chánh án đề nghị cho phép ngành Tòa án được giữ số biên chế đã được quy định trong năm 2012. Bởi vì, sức người có hạn mà công việc đã quá tải nhiều năm nay.

Về nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ quyết vụ án là năm 2021, do dịch bệnh phải giãn cách, nhiều phiên tòa phải hoãn, tạm dừng xét xử, nhiều vụ án bị quá hạn do không mở được phiên tòa.

Do vậy, về giải pháp khắc phục, TANDTC đã đề xuất với Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ủy ban Tư pháp về việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xét xử bằng hình thức trực tuyến.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho rằng, nếu được chấp thuận xét xử bằng hình thức trực tuyến thì các Tòa sẽ giải quyết được nhiều việc, tiết kiệm kinh phí. Ví dụ như: TAND Cấp cao tại Hà Nội, nếu áp dụng hình thức trực tuyeetsn, ngồi tại Hà Nội vẫn xét xử được các vụ án tại tỉnh Sơn La. Tỉnh này không có dịch bệnh nên ai ở đây cũng có thể đến tham dự phiên tòa.

Về cơ chế giám sát, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết, TANDTC sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để triển khai giám sát chặt chẽ.

Cũng theo Phó Chánh án, hiện hay ngành Tòa án cũng đang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý dữ liệu chung của Tòa để quản lý dữ liệu giám đốc thẩm, tái thẩm cho các Tòa án các cấp. Cùng với đó TANDTC đang phối hợp với Bộ TT&TT, Tập đoàn Viettel nghiên cứu xây dựng cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên các cấp, Thư ký Tòa án phần mềm trợ lý ảo. Phần mềm này giúp tổng hợp những văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, án lệ, các luật. Dự kiến tháng 10 này sẽ vận hành, thử nghiệm phần mềm.

Hiện TANDTC đã xây dựng Đề án chuẩn bị cho việc xây dựng Tòa án điện tử, và sẽ đề xuất để Ủy ban Tư pháp tạo điều kiện nghiên cứu, ủng hộ trong thời điểm này, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết.

Trong báo cáo nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa công tác Tòa án; tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc để Tòa án hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ xét xử trực tuyến các loại vụ án trong tình hình hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số đề xuất quan trọng của ngành Tòa án