Chúc Tết cha mẹ đã trở thành đạo lý mà mỗi người con phải hoàn thành đầu tiên trước khi đi chúc Tết, du xuân. Theo tục thì ngày mồng hai Tết mẹ, có thể hiểu cho hợp lý tức là mồng hai thì chúc Tết bên đàng ngoại, sang thăm bên thông gia đằng vợ và hiếu kính họ hàng nhà mẹ, chứ cha và mẹ là hai đấng sinh thành ra ta có tầm quan trọng như nhau, nên mồng hai cũng là ngày báo hiếu cha mẹ.

Câu nói “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là câu nói có ý nghĩa nhân văn, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo và thể hiện một cách tích cực phương châm ứng xử rất nên coi trọng trong xã hội ngày nay.

Một người con được gọi là hiếu đạo thì phải lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Tết chính là quãng thời gian để mỗi người nhớ về cội nguồn, hỏi thăm và chúc Tết những người đã nuôi dưỡng mình.

1.jpg
Vợ chồng con cái, anh chị em ruột thịt sẽ tập trung bên đàng ngoại để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ

Theo quan niệm của ông cha ta, “cha” là đại diện của “họ hàng bên nội”, “mẹ” là đại diện của “họ hàng bên ngoại”. Do đó, mồng hai Tết thì vợ chồng con cái, anh chị em ruột thịt sẽ tập trung bên đàng ngoại để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.

Câu nói “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” không chỉ là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết mà nó còn là cách người Việt ta thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo.

Bên cạnh đó, những ngày đầu năm mới cũng là dịp để mọi người trong gia đình trao nhau tình cảm để người thân được gắn bó hơn. Dịp Tết, các gia đình tụ họp chúc Tết nhau, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua là tỏ lòng hiếu kính.

2.jpg
Nghi thức chúc Tết và tụ họp ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người

Nghi thức chúc Tết và tụ họp ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là tuổi thơ về hạnh phúc gia đình đầm ấm, có trên có dưới, đầy đủ, viên mãn. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại, là cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.

Đạo hiếu xưa, cha mẹ đều tôn trọng như nhau, chúc Tết cha mẹ đã trở thành đạo lý mà mỗi người con phải hoàn thành trước tiên trước khi đi chúc Tết, du xuân: “Suốt một tháng giêng, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia, chỗ thì thi hoa thủy tiên, chỗ thì hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng. Các người nhàn, năm ba người tụ lại đánh bạc. Ngoài ngã ba ngã bảy, đám thì quay đất, đám thì lúc lắc thò lò, tổng chi gọi là cách thưởng xuân” – theo Việt Nam Phong Tục của học giả Phan Kế Bính biên khảo.

3.jpg
Mọi người trong gia đình cùng nhau nâng chén rượu đầu xuân, trao nhau tình cảm

Phong tục Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt. Ngày Tết cũng là ngày nghỉ ngơi ăn chơi giải trí, trước là đem lòng thành kính với tổ tiên, sau là được ngày nhàn nhã, cầm chén rượu mà yên úy tinh thần. Nhưng việc thưởng xuân đến cả tháng, có nơi đôi ba tháng thì vừa tốn tiền lại vừa phí cả thời gian.

Xã hội ngày nay, mọi người cần giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn của cha ông để lại. Và việc hiếu kính cha mẹ luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng chúng ta cũng phải biết chắt lọc những tinh hoa của ông cha, lựa chọn, tích hợp những nhân tố tiến bộ, hợp lý, cải biến để phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mồng hai Tết mẹ