Mồng một đầu năm là ngày Tết Nguyên Đán, là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người Việt. Theo tục thì ngày mùng một Tết cha, có thể hiểu cho hợp lý tức là mồng một thì chúc Tết bên đàng nội, chứ cha và mẹ là hai đấng sinh thành ra ta có tầm quan trọng như nhau, nên mồng một cũng là ngày báo hiếu cha mẹ.
Tết Nguyên Đán (còn gọi là Tết Cả, Tết ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết) là dịp lễ đầu năm Âm lịch quan trọng và có ý nghĩa nhất ở Việt Nam. “Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”, “nguyên” theo chữ Hán có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm, cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”.
Ngày xưa, để chuẩn bị đón Tết thì mọi nhà rộn rịp trước cả nửa tháng, nào là mua sắm, mua tranh mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt bánh trái… Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Cách Tết một vài hôm, nhà nào nhà nấy dọn dẹp cửa nhà, lau rửa đồ thờ. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh, treo liễn trang hoàng để đón chào năm mới.
Sáng mùng một Tết thì làm cỗ cúng Gia tiên, và cũng cả Thổ công, Nghệ sư v.v… mâm cỗ to nhỏ thế nào mặc lòng, nhưng làm sao phải có dưa hành, bánh chưng, giò, chả thì mới ra cỗ ngày Tết. Người xưa mong Tết không chỉ là để được nghỉ ngơi mà quan trọng, quanh năm vất vả, bận rộn ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng.
Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo tục thì ngày mùng một Tết cha, có thể hiểu cho hợp lý tức là mồng một thì chúc Tết bên nội, chứ cha và mẹ là hai đấng sinh thành ra ta có tầm quan trọng như nhau, nên mồng một cũng là ngày báo hiếu cha mẹ.
Hai tiếng cha mẹ ở nước ta mỗi nơi gọi cũng hơi khác nhau. Nơi thì gọi là Bố là Đẻ, nơi thì gọi là Thầy là U, chỗ thì gọi mẹ là Bầm hay Bu. Trong miền nam thì gọi cha là Tía, gọi mẹ là Má… Cha mẹ sinh ra con ai cũng thương yêu nuôi nấng, dạy dỗ mong con nên người. Công ơn của cha mẹ được ví như trời cao, biển rộng khó gì có thể sánh bằng được. Mùng một Tết cha, nhằm mong muốn sum vầy cùng cha mẹ, thể hiện đạo hiếu, uống nước nhớ nguồn. Và cha là bên nội, tức là mồng một thì chúc Tết, thăm hỏi bên đàng nội.
Câu nói “mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” là một câu nói mới dựa vào câu nói “mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy” của cha ông ngày xưa, nhưng vì có ý nghĩa nhân văn, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính hiếu cha mẹ, tôn sư trọng đạo nên ngày nay câu nói này vẫn được lưu truyền và thể hiện một cách tích cực. Và từ cách nói đó, sau này người ta thấy hợp lý và hành động theo, thành ra tập quán mới. Tục ngữ là phương châm ứng xử và ứng xử trong câu tục ngữ Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy rất nên trong xã hội ngày nay.
“Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, mùng một Tết hay bất kỳ một ngày nào thì tiêu chuẩn đối với một người con được gọi là hiếu đạo thì phải lo lắng, chăm nom phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất; luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và không được làm cho cha mẹ phiền lòng. Nói cách khác, một đời sống hiền thiện chính là hiếu hạnh, là phát tâm báo ân. Còn như làm điều tà ác, không tu dưỡng đạo đức là bất hiếu.
Bên cạnh đó, mùng một đầu năm còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ.
Đây cũng là dịp mọi người trao nhau tình cảm để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn. Trong dịp Tết, các gia đình thường tụ họp chúc Tết nhau bên đàng nội, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua. Sau đó, người trong gia đình sẽ dành tặng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, dành tặng những món quà mong muốn mọi người có nhiều sức khỏe trong năm mới.