“Mối quan hệ giữa luật sư với Thẩm phán, thư ký là mối quan hệ giữa những đồng nghiệp, bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ nhau”, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật nhận định.
Hà Nội những ngày giữa tháng 8/2021 đang giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Lo lắng không thể từ Hà Nội tới Hải Dương để bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Lê Văn Nghĩa, Luật sư Bình đã nhắn tin cho thư ký tòa để hỏi. Chưa đầy một phút, Luật sư Bình đã nhận được hồi âm. Đó là tin nhắn phản hồi của Thư ký TAND tỉnh Hải Dương Vũ Thị Mai Trang. “Em đổi lịch sang ngày khác rồi, chắc lúc đó Hà Nội cũng hết giãn cách. Em cũng gửi thông báo cho anh rồi đó”.
Trước đó, khi hồ sơ vụ án được chuyển qua Tòa án, Thư ký Vũ Thị Mai Trang cũng đã chủ động gọi cho Luật sư Bình để hỏi có nhận bào chữa cho bị cáo nữa không? Luật sư Bình trả lời có và đề nghị gửi thông báo người bào chữa tham gia tố tụng về văn phòng cho mình. Ngay chiều hôm sau, thông báo đã được gửi tới văn phòng tại Hà Nội.
“Tôi rất thích tác phong làm việc của TAND tỉnh Hải Dương. Nhanh, nhiệt tình, trách nhiệm, không câu lệ… Đó không phải là những gì “đao to búa lớn”, đôi khi đơn giản nó chỉ là một dòng tin nhắn”, Luật sư Bình chia sẻ. Đây cũng không phải lần đầu Luật sư Bình nhận được sự phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình từ Thẩm phán, thư ký tòa TAND các cấp ở tỉnh Hải Dương.
Trong một vụ án khác, Luật sư Bình cũng nhận được thái độ niềm nở, trách nhiệm của Thẩm phán Bùi Đăng Huy và Thư ký Phạm Thị Minh Hiền. “Có lần tôi đề nghị được hoãn phiên tòa vì chưa kịp sao chụp hồ sơ, lịch xét xử lại cận kề do khách hàng thuê muộn. Thẩm phán Bùi Đăng Huy động viên: “Anh đã hoãn cho em có thời gian tiếp cận hồ sơ. Gấp vậy sao bào chữa được”. Luật sư Bình cho biết. Xuyên suốt quá trình tham gia tố tụng, các thông báo, lịch xét xử… cũng được Thư ký Phạm Thị Minh Hiền chủ động gửi qua Zalo trước, rất tiện cho luật sư.
Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật chia sẻ, thực tiễn quá trình công tác, ông đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các Thẩm phán, thư ký Tòa án các cấp, đặc biệt là TAND các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Thuận…
“Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các Thẩm phán, thư ký Tòa án các cấp từ việc cấp Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng, Đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã được các Tòa án làm việc rất nhanh chóng, rút ngắn thời gian. Hoặc việc sao chụp hồ sơ tài liệu vụ án, thay đổi lịch xét xử do trùng lịch…”, Luật sư Bình nói.
Vẫn theo Luật sư Diệp Năng Bình, giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Thẩm phán, thư ký tòa án nói riêng, thực tế đã hình thành mối quan hệ thường xuyên và mật thiết. “Thực chất luật sư, Thẩm phán, thư ký là những đồng nghiệp của nhau, đều là những luật gia, người làm công tác pháp luật, người thực thi pháp luật. Tuy cương vị và tư cách tố tụng mỗi người mỗi lúc có khác nhau, nhưng trên hết họ là những đồng nghiệp của nhau trong hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp”, Luật sư Diệp Năng Bình đánh giá.
Trong hoạt động nghề nghiệp, giữa Thẩm phán, thư ký và luật sư không tránh khỏi có những lúc có ý kiến bất đồng, đối lập nhau. Song theo Luật sư Diệp Năng Bình, đây là điều tất nhiên trong việc tìm ra chân lý, đó cũng chỉ là sự bất đồng về quan điểm pháp lý, không nên và không thể là sự bất đồng, mâu thuẫn đối kháng.
Sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa những người làm công tác pháp luật vốn là một truyền thống xuất phát từ quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể. Thái độ tôn trọng lẫn nhau giúp cho mỗi người ý thức trách nhiệm hơn trước công việc và nâng cao lòng tự trọng. Sự tôn trọng lẫn nhau giữa những người hoạt động pháp luật làm cho tính tôn nghiêm ở chốn pháp đình càng được đề cao, tạo nên vẻ đẹp cho “văn hóa pháp đình”, làm mẫu mực cho công chúng noi theo, làm tấm gương trong việc tuyên truyền pháp luật.
Tuy nhiên, không ít trường hợp Thẩm phán có tâm lý ngại có luật sư, bởi sẽ mất nhiều thời gian, nhất là trong tình trạng án quá tải như hiện nay… Không phải lúc nào, vụ án nào khi tham gia tố tụng, luật sư cũng được tạo điều kiện thuận lợi, không phải mọi ý kiến phát biểu của luật sư được thẩm phán lắng nghe, các đề xuất của luật sư được Tòa án xem xét giải quyết…
Ngược lại, không ít luật sư ngại va chạm, một số luật sư non trẻ, hạn chế về kiến thức, kỹ năng và phong cách ứng xử… nên chưa có được quan điểm pháp lý tốt, các luận cứ chưa đủ sức thuyết phục trước tòa, trước các cơ quan tiến hành tố tụng, chưa tạo được hiệu quả hoạt động nghề nghiệp. Lại có luật sư có quan điểm lệch lạc, thái độ cực đoan, vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp luật sư, làm xói mòn lòng tin của công chúng vào cơ quan pháp luật và vị thế luật sư.
Thực tiễn quá trình hành nghề, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng các luật sư phải không ngừng phấn đấu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nêu cao tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, trung thực, dũng cảm đấu tranh bảo vệ lẽ phải và công lý. Luật sư phải có thái độ tôn trọng, thiện chí, trung thực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và Thẩm phán cũng như thư ký nhằm tạo được không khí quan hệ hợp tác, cởi mở, chân tình giữa những người cùng hoạt động luật pháp. Phải phấn đấu để có được bản lĩnh nghề nghiệp và phong cách riêng ở mỗi luật sư.
Bên cạnh đó, Thẩm phán, thư ký cũng cần có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động luật sư, xem luật sư là thành tố không thể thiếu trong hoạt động tố tụng; sự hiện diện của luật sư phải được xem là sự mang tới hiệu quả tích cực cho hoạt động pháp luật. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật tố tụng, trong đó có quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đảm bảo cho luật sư được hoạt động nghề nghiệp một cách bình thường và thuận lợi. Cần có thái độ tôn trọng khi luật sư tham gia tố tụng, ghi nhận đầy đủ những đóng góp của luật sư trong việc giải quyết các vụ án, vụ kiện. Làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, xem luật sư như những đồng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để luật sư hành nghề.