Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 500 nghìn người mắc ung thư cổ tử cung, trên 270 nghìn người tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao chỉ đứng sau ung thư vú. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có gần 500 nghìn người mắc ung thư cổ tử cung, trên 270 nghìn trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, hàng năm có trên 5 nghìn trường hợp mắc và hơn 2 nghìn trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Các dấu hiệu nhận biết sớm ung thư cổ tử cung gồm: chảy máu âm đạo bất thường; tiết dịch âm đạo bất thường; đau khi giao hợp; đau vùng chậu; đau hoặc phù chân…
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ
Trong các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư cổ tử cung nói trên, dấu hiệu chảy máu âm đạo là hiện tượng chủ yếu. Theo các chuyên gia y tế, dù xuất hiện chảy máu 1 âm đạo lần cũng cần phải làm các xét nghiệm kiểm tra vì tổn thương có thể tiến triển mà trong một thời gian dài không gây chảy máu lại. Trường hợp khác là nếu khí hư có lẫn máu cũng có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Nếu bệnh nhân ra khí hư màu nâu nhạt, có mùi hôi, thì có thể bệnh đã tiến triển nhanh.
Ung thư cổ tử cung gồm hai thể là ung thư biểu mô dạng biểu bì hoặc ung thư biểu mô tuyến. Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc quan hệ tình dục với nhiều người, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục; sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài trên 10 năm, hoặc nhiễm HIV…Theo WHO, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điệu trị các thương tổn tiền ung thư.
Để phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung, Việt Nam đã tham gia vào chương trình toàn cầu và toàn diện về ung thư cổ tử cung, giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bằng tiêm vắc xin, sàng lọc và điều trị ung thư tổ tử cung. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có hệ thống sàng lọc ung thư cổ tử cung nhưng còn nhiều hạn chế.
Sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung cũng là vấn đề được đưa vào Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001 - 2010 với mục tiêu tăng tỷ lệ cơ sở y tế cung cấp chẩn đoán sớm lên 50%. Chiến lược kiểm soát ung thư Quốc gia 2008 - 2010 cũng có mục tiêu tăng tỷ lệ chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm từ 20% - 30%. Trong Chương trình Kiểm soát Ung thư Quốc gia giai đoạn 2010 - 2020 tỷ lệ này được tăng lên 50%.
Tuy nhiên, hệ thống các phòng xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung chỉ sẵn có ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương, ở tuyến huyện là không đáng kể. Đội ngũ nhân lực được đào tạo còn thiếu thốn và công tác đảm bảo chất lượng tại các đơn vị xét nghiệm này chưa được chú trọng, kết quả là sàng lọc ung thư cổ tử chưa được triển khai trên diện rộng và còn nhiều hạn chế.