Một ca mổ mắt không chạm, với thời gian tính theo giây, sẽ giúp người bệnh không hề cảm thấy đau đớn hay khó chịu sau phẫu thuật.
Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 vừa tổ chức buổi lễ chuyển giao, chính thức triển khai công nghệ mổ mắt không chạm SmartSurfACE.
Đây là một bước tiến nổi bật trong công nghệ phẫu thuật tật khúc xạ hiện nay. Phương pháp phẫu thuật này nhanh chóng loại bỏ các lớp giác mạc bề mặt mà không cần vạt giác mạc, thực hiện thủ thuật mà không cần chạm vào mắt, không gây đau cho người bệnh.
Bà Vũ Thị Thanh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và thói quen sinh hoạt, tỷ lệ tật khúc xạ ngày càng gia tăng gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng sống và kết quả học tập của lớp trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu gần đây, tỷ lệ tật khúc xạ học đường chiếm từ 30-40% số lượng học sinh, sinh viên đặc biệt là học sinh, sinh viên tại các thành phố, nơi có tỷ lệ này lên tới 80%.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tiến hành ca mổ đầu tiên áp dụng công nghệ mổ mắt không chạm SmartSurfACE
Để đáp ứng nhu cầu phẫu thuật tật khúc xạ một cách an toàn và hiệu quả nhất cũng như giúp cho nhiều bệnh nhân được tiếp cận gần hơn với phương pháp hiện đại này, Bệnh Viện Mắt Hà Nội 2 đã tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ thành công công nghệ mổ mắt không chạm SmartSurfACE và sẽ chính thức áp dụng điều trị.
Sau khi tiếp nhận công nghệ, hai bệnh nhân, gồm một nam và một nữ là những người đầu tiên được trải nghiệm công nghệ mới này. Chỉ trong chưa đầy một phút kíp thực hiện đã phẫu thuẫn xong cho một ca. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và cho biết có cải thiện rõ rệt về thị lực.
“Trong quá trình mổ tôi không thấy có cảm giác đau hay khó chịu nào. Trước khi phẫu thuật, tôi có hồi hộp một chút nhưng bây giờ tôi thấy rất thoải mái. Mắt tôi bị mờ, nhìn mọi thứ không được rõ. Nhưng sau khi phẫu thuật, mắt tôi đã thay đổi rõ rệt và nhìn đồ vật ở xa rõ hơn”, anh Long - nam bệnh nhân vừa kết thúc ca mổ thị phạm chia sẻ.
Theo ThS.BS Phạm Thị Hồng Lê - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thị phạm, với công nghệ “mổ mắt không chạm” các bác sĩ và cả người bệnh không còn phải lo lắng về nguy cơ biến chứng vạt.
“Thời gian phẫu thuật laser chỉ tính theo giây, mỗi một mắt cũng chỉ mấy chục giây. Với trường hợp bệnh nhân Long bị loạn thị cao cũng chỉ mất 35 giây một mắt. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng phải tuân thủ dặn dò của bác sĩ, dùng thuốc theo hướng dẫn và đi đúng hẹn khám lại định kỳ. Chúng tôi đã theo dõi những ca “mổ mắt không chạm” thì thấy bệnh nhân phục hồi rất tốt. Thị lực đạt tối đa và khi khám mắt bác sĩ có thể không phát hiện ra người bệnh đã phẫu thuật”, BS Lê nói.