Chính trị

Minh bạch việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên Hợp tác xã

Duy Tuấn 25/05/2023 - 19:29

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 25/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

202305251453594113_6.jpg

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong Hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX (Điều 79- dự thảo luật), Ban soạn thảo đã đề xuất hai phương án. Trong đó, Phương án 1 quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên. Bổ sung quy định “HTX, liên hiệp HTX xem xét tư cách thành viên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định của Luật này và Điều lệ” tránh được nguy cơ thành viên thâu tóm, không làm mất bản chất, tôn chỉ của HTX, liên hiệp HTX. Đây là một vấn đề mới được bổ sung trong dự thảo luật lần này.

chu-nhiem-vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trong khi đó, Phương án 2 không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi HTX, liên hiệp HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ. Việc này, nhằm tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức.

dai-bieu-mai-van-hai.jpg
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Tán thành với Phương án 1, theo đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng có thể cho thành viên chuyển nhượng ra ngoài. “Tôi nghĩ bởi vì phần vốn góp của thành viên, đặc quyền của thành viên, chúng ta không thể yêu cầu người ta chỉ được chuyển nhượng ở trong nội bộ hợp tác xã”.

Theo ông Hải, do phần vốn góp của thành viên là vấn đề đối nhân, không phải là đối vốn, “cho nên việc chuyển nhượng ra ngoài chúng ta cũng không sợ, không lo xảy ra tình trạng là một số thao túng không hoạt động của hợp tác xã”. Đặc biệt, “việc cho chuyển nhượng ra ngoài, tôi nghĩ rằng nó cũng là một dịp, một điều kiện để cho hợp tác xã nâng cao chất lượng thành viên của hợp tác xã” – đại biểu Hải nhấn mạnh.

Cũng đồng tình với Phương án 1, đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, chọn phương án này sẽ tạo sự ổn định trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi các thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ vốn, “nhất là đối với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở rộng quy mô hoạt động của hợp tác xã, vẫn kiểm soát, tránh được nguy cơ doanh nghiệp hóa hợp tác xã”.

Theo đại biểu Thi, “đã có những quy định về tỷ lệ góp vốn tối đa được quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 74 quy định về kiểm soát tư cách thành viên của người được chuyển nhượng vốn và người nhận chuyển vốn trong hợp tác xã quy định tại khoản 6 Điều 79”.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, quy định như Phương án 1 phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã với ý nghĩa là một tổ chức kinh tế như các tổ chức kinh tế khác.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị “cần quy định chặt chẽ cả 2 bên bán và mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã”.

Theo đó, từng hợp tác xã nghiên cứu để quy định cụ thể hơn trong điều lệ, cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các thành viên.

“Thành viên liên kết góp vốn với mức góp vốn tối đa của mỗi thành viên chính thức không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã”, đại biểu Bình nói.

dai-bieu-thach-phuoc-binh.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình.

Trong khi đó, tán thành với Phương án 2, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, nếu góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định pháp luật hoặc là thành viên góp vốn khi đã rút vốn ra khỏi hợp tác xã rồi thì phải thực hiện theo quy định của điều lệ, đó là phải cho hợp tác xã thuê lại đất mình đã góp vốn.

“Nếu đã góp vốn quyền sử dụng đất, khi thành viên rút số vốn ra mà rút quyền sử dụng đất ra thì hợp tác xã còn gì đâu mà hoạt động, nếu đất đó là trụ sở của hợp tác xã” đại biểu Hòa lo ngại.

dai-bieu-pham-van-hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo luật bổ sung quy định về tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, như xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất…

Về chính sách bảo hiểm, đại biểu cho rằng cần có chế độ ưu tiên hỗ trợ hoặc cơ chế khuyến khích để thành viên hợp tác xã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây vừa là chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, vừa tạo động lực khuyến khích người dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên Hợp tác xã