Hàng loạt vi phạm tại Dự án Xây dựng phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp và dịch vụ môi trường sinh thái tại xứ đồng Dung đã được kết luận như: làm giả hồ sơ, chữ ký để xin cấp đất làm dự án, không đền bù cho các hộ dân….nhưng hơn 18 năm qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân địa phương bức xúc.
Giả chữ ký hồ sơ dự án
Theo UBND xã Tam Đồng, ngày 23/11/2004, UBND huyện Mê Linh đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-UB phê duyệt cho ông Nguyễn Viết Thể thuê 20.016 m2 đất để thực hiện Dự án xây dựng phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp và dịch vụ môi trường sinh thái tại xứ đồng Dung tại thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh (Dự án).
Tuy nhiên, năm 2004, khi triển khai thực hiện, ông Thể và chính quyền địa phương không thông báo, không họp dân nhưng đã đưa máy móc, thiết bị tiến hành san lấp ruộng đồng, phá hủy kênh mương thủy lợi, không tiến hành đền bù cho các hộ dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực này (thuộc đất quỹ II), gây bức xúc cho người dân địa phương.
Sau đó, từ kết quả thanh tra, kiểm tra tại UBND xã Tam Đồng, UBND huyện Mê Linh ban hành Kết luận số 66/KL-CT ngày 27/8/2005, chỉ rõ hàng loạt vi phạm từ giai đoạn thực hiện hồ sơ và triển khai thực hiện Dự án của Chủ đầu tư và UBND xã Tam Đồng.
Cụ thể, theo Kết luận 66, đơn xin thuê đất ngày 15/10/2003 ghi Nguyễn Viết Thể, hộ khẩu thường trú thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc là sai thực tế. Đơn không ghi ông Thể công tác tại Trạm công an cửa khẩu Quốc tế Nội Bài.
Kết luận còn chỉ ra các vi phạm trong hồ sơ Dự án như: ông Thể thừa nhận không ký đơn và không ký một chữ nào trong hồ sơ Dự án (chữ ký trong đơn và chữ ký trong các giấy tờ khác trong hồ sơ dự án đều do một người khác ký thay).
Thậm chí, trên thực tế không có cuộc họp HĐND xã Tam Đồng ngày 12/10/2003, nhưng trong Tờ trình số 12/TT-UB ngày 16/10/2003 của UBND xã Tam Đồng lại ghi “Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND xã Tam Đồng họp ngày 12/10/2003 về việc đồng ý cho thuê đất làm trang trại và trồng cây lâu năm tại khu đồng Dung…”. UBND huyện Mê Linh kết luận, đây là vi phạm về lạm dụng quyền lực nhà nước ở địa phương.
Chưa hết, cũng theo Kết luận 66, thực tế không có cuộc họp Thường trực HĐND xã nhưng ông Kiều Văn Bin, Chủ tịch HĐND xã này và ông Nguyễn Huy Nguyên, thư ký kỳ họp HĐND xã Tam Đồng đã ký bản “Trích nghị quyết họp TTHĐND xã Tam Đồng về việc chấp nhận dự án phát triển trang trại nông nghiệp và dịch vụ môi trường sinh thái” ngày 12/10/2003.
Mặt khác, Chủ dự án còn có hành vi sử dụng diện tích vượt quá so với diện tích được thuê là 1.044 m2; phá, san ủi kênh tưới Tam Báo, diện tích thuộc địa phận xã Tam Đồng là 2.414 m2,… UBND huyện Mê Linh đánh giá, việc phá kênh tưới Tam Báo có ảnh hưởng tới sản xuất, gây thêm bức xúc cho một số công dân thôn Văn Lôi.
Kết luận 66 đã chỉ rõ, UBND xã Tam Đồng nhiệm kỳ 2004 – 2009 vi phạm về buông lỏng công tác quản lý đất đai, không phát hiện chủ dự án sử dụng diện tích tăng so với diện tích được thuê; không ngăn chặn kịp thời chủ dự án phá, san ủi kênh tưới Tam Báo. Trách nhiệm thuộc UBND xã Tam Đồng nhiệm kỳ 2004 – 2009, trước hết là Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã.
"UBND xã Tam Đồng còn thiếu trách nhiệm trong việc không tính phương án đền bù công cải tạo đất và hoa màu cho 17 hộ dân có diện tích khai hoang, phục hóa là 6.946,9 m2, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp" - Kết luận 66 chỉ rõ .
Trước những vi phạm trên, UBND huyện Mê Linh ra quyết định yêu cầu ông Nguyễn Viết Thể phải đình chỉ thi công các công trình, giữ nguyên hiện trạng khu đất chờ cơ quan có thẩm quyền tiếp tục kiểm tra và quyết định giải quyết; tổ chức kiểm điểm xử lý cán bộ có sai phạm liên quan đến Dự án; yêu cầu các phòng, ban chuyên môn làm rõ tính pháp lý của dự án, trình UBND huyện để báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh quyết định việc xử lý về Dự án.
“Cái sảy nảy cái ung”
Có thể thấy rằng, Dự án trên không có căn cứ pháp lý khi người được cho là Chủ dự án khi đó không đủ điều kiện thành lập và làm đại diện cho pháp nhân nhưng làm giả hồ sơ, chữ ký để đứng ra xin cấp đất làm dự án.
Thế nhưng, hơn 18 năm trôi qua, dự án trên mới chỉ bị đình chỉ thi công các công trình, giữ nguyên hiện trạng khu đất chờ cơ quan thẩm quyền tiếp tục kiểm tra và có phương án giải quyết; một số nội dung nêu trong kết luận vẫn chưa được thực hiện.
Trong đơn gửi Báo Công lý, một số hộ dân trú tại thôn Văn Lôi cho biết, từ đó đến nay, khu vực của Dự án trở thành đất hoang hóa, được người dân trồng cây, rau màu. Các hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù hoa màu và hỗ trợ công cải tạo 6.964,9m2 đất khai hoang phục hóa như kết luận nêu từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, đầu tháng 3/2023, một nhóm người tự xưng là người “thuê lại từ chủ dự án” đã tiến hành san lấp mặt bằng trên diện tích hàng nghìn m2, sau đó đổ đất thải phế liệu chất cao, làm kho chứa cát để bán cho các dự án xây dựng. Việc san lấp ngày đêm, gây nên tình trang ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực. Do đó, người dân tiếp tục có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Huỳnh - Chủ tịch UBND xã Tam Đồng, cho biết: Phản ánh của người dân là đúng. Từ cuối năm 2022, khi xảy ra việc đổ đất, san lấp mặt bằng tại khu đất của dự án, lực lượng chức năng xã đã kiểm tra, lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành và từ tháng 3/2023 đến nay, tiếp tục tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu đất.
“UBND xã Tam Đồng đã có báo cáo đề nghị UBND huyện Mê Linh chỉ đạo các phòng ban chức năng và chủ dự án lập phương án đền bù chi trả tiền cho các hộ gia đình, cá nhân diện tích 6.964,9 m2 đất còn thiếu; đồng thời đề nghị UBND huyện chỉ đạo Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông hỗ trợ để ngăn chặn việc đổ đất, vật liệu xây dựng vào Dự án” – ông Nguyễn Văn Huỳnh cho biết.
Về nguyên nhân Kết luận 66 chưa được thực hiện dứt điểm, vị Chủ tịch xã này cho biết: Tôi làm lãnh đạo xã từ 2016 nhưng dự án này thì tôi không nắm được, Kết luận 66 cũng không nắm được. Vì kết luận lâu rồi nên khi bàn giao công việc không thấy bàn giao nội dung này. Từ đó Dự án không làm gì nên người dân không có ý kiến, giờ thấy dự án lại rục rịch làm tiếp nên người dân lại ý kiến, các cơ quan lại phải vào kiểm tra giải quyết.