Sau ba ngày xét xử phúc thẩm và nghị án, sáng nay (21/12) TAND TP Hà Nội đã tuyên án với hai anh em ruột bị cáo Quản Đắc Quý (SN 1981) và Quản Đắc Thúy (1979) trú tại xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội về tội Cố ý gây thương tích.
Theo bản án sơ thẩm, vào khoảng 16h ngày 19/7/2003, do mâu thuẫn trong chuyện tranh chấp đất đai nên ông Đỗ Đăng Chuyên (SN 1948) cùng con trai Đỗ Đăng Của (SN 1977) đã xảy ra xô xát với ông Quản Đắc Họp (bố đẻ của hai bị cáo).
Ông Họp và Quý cầm dao xông vào xô xát làm ông Chuyên bị đau gục ngã xuống đất. Tiếp đó, Quý đuổi theo Của. Khi đuổi kịp nạn nhân, Quý cầm dao chém một nhát trúng trán anh này khiến anh Của choáng váng ngã xuống cống.
Hậu quả, anh Của bị thương tích 34,16%. Ông Chuyên cũng bị tổn thương 21% nhưng quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa đủ cơ sở chứng minh ai là người gây ra tổn thương cho ông Chuyên nên đã quyết định tách rút tài liệu để tiếp tục làm rõ và xử lý sau. Cơ quan điều tra cũng xác định, Quản Đắc Họp bị bệnh động kinh và đang phải điều trị. Tuy nhiên, Họp đã từ chối không giám định tâm thần.
Do chưa đủ căn cứ để xác định năng lực trách nhiệm hình sự đối với Quản Đắc Họp, do đó ngày 3/7/2015 cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi Cố ý gây thương tích của Quản Đắc Họp và Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với Quản Đắc Họp để tiếp tục đưa Họp đi giám định tâm thần. Khi có kết luận giám định sẽ xử lý Họp sau.
Tuy nhiên, sau 14 năm có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ngày 26/5/2017, TAND huyện Hoài Đức (Hà Nội) mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai bị cáo Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù và Quản Đắc Thúy 5 năm tù về tội danh trên.
Ngay sau bản án sơ thẩm, cả hai anh em bị cáo cho rằng mình không phạm tội như tòa cấp sơ thẩm quy kết, nên đã làm đơn kháng cáo kêu oan lên tòa phúc thẩm.
Hai anh em bị cáo Quý và Thúy tại phiên tòa phúc thẩm
Cũng tại phiên tòa, đại diện VKSND cho rằng, căn cứ vào lời khai ban đầu của bị cáo cũng như những người liên quan nhận thấy phù hợp với lời khai của các nhân chứng trực tiếp có mặt tại hiện trường chứng kiến vụ việc. Theo đó, lúc xảy ra vụ án các bị cáo đều có mặt tại hiện trường và gây ra thương tích cho bị hại là anh Của. Điều này phù hợp với lời khai của bị hại cũng như các chứng cứ và lời khai thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Từ đó, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh Của.
Bên cạnh đó, VKSND thấy rằng, việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo mức án như trên là có căn cứ. Đối với đơn kháng cáo của các bị cáo cho rằng không phạm tội cố ý gây thương tích là không có căn cứ.
Đại diện VKSND đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của hai bị cáo và giữ nguyên mức án như HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên về mặt tội danh, hình phạt.
Đối đáp lại quan điểm của VKSND, luật sư bào chữa cho hai bị cáo đã đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm.
Theo luật sư Lê Văn Kiên, các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức đã vi phạm nghiêm trọng các thủ tục về tố tụng nên bản án sơ thẩm mang đến sự bất công đối với các bị cáo. Vì vậy, vụ án bị kéo dài 14 năm mới xét xử sơ thẩm. Điều này đã bất chấp tất cả thời hạn điều tra vụ án. Nếu giả sử các bị cáo có tội, đến thời điểm này đã chấp hành xong hình phạt. Đây là lỗi của các cơ quan tố tụng huyện Hoài Đức.
Từ đó, luật sư Kiên đề nghị cần phải xem xét và thực nghiệm điều tra vụ án để làm rõ các tình tiết của vụ án. Tại tòa, tất cả nhân chứng đều xác định bị hại Của tự ngã. Tuy nhiên, điều này không được đại diện VKSND ghi nhận trong khi đưa ra quan điểm giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra không thực hiện đủ các biên bản đối chất và có rất nhiều nhân chứng khai rất mâu thuẫn nhưng không được làm sáng tỏ. Kết luận giám định pháp y về hình thức có sự mâu thuẫn về chiều cao của người được giám định…
Luật sư Lê Văn Thiệp (bảo vệ cho bị hại Đỗ Đăng Của) thì cho rằng, lời khai của các nhân chứng tại tòa chỉ mang tính chất tham khảo do thời gian xảy ra quá dài. Đồng thời, trong vụ án này chưa làm sáng tỏ được ai là người thực hiện hành vi, hành vi đó xảy ra như thế nào và ai là người chịu trách nhiệm? Ngoài ra, trong vụ án này có vấn đề quan trọng bỏ qua khi có hai nạn nhân nhưng ai là người gây ra thì chưa được làm rõ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Nếu không chứng minh được hành vi của các bị cáo và làm sáng tỏ vụ án thì phải xem xét khách quan nhất đối với hai bị cáo.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng có đủ cơ sở để xác định hai bị cáo này là đồng phạm cố ý gây thương tích, bản án sơ thẩm tuyên phạt hai bị cáo mức án và và danh trên là đúng người đúng tội, mức hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với hai anh em bị cáo Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy về tội danh trên.