Sáng ngày 4/4, tại đình làng An Hải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), UBND xã An Hải cùng các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Đây là nghi lễ tưởng nhớ đội dân binh Hoàng Sa năm xưa đã có công đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm trước dưới triều nhà Nguyễn.
Quang cảnh lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Theo sử sách ghi chép lại, vào đầu thế kỷ 17, khi vào trấn nhậm phía nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại làng An Vĩnh và An Hải nay thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Theo đó, mỗi năm sẽ có 70 suất đinh là những trai tráng khỏe mạnh giỏi bơi lội được bổ sung vào đội Hoàng Sa. Đến đầu thế kỷ 19, các dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải chủ yếu là những trai tráng thuộc các tộc họ trên đảo Lý Sơn. Nhiệm vụ của đội dân binh Hoàng Sa là đo đạc hải trình, dựng bia, cắm mốc chủ quyền và thu lượm sản vật tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (lễ tế sống) để động viên những người con ưu tú của quê hương vì nước quên thân. Hiện nay, tên tuổi của những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã được sử sách ghi lại.
Nghi thức cúng lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Ông Lê Hoài Ân, Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân trên đảo Lý Sơn tổ chức từ xưa đến nay nhằm tưởng nhớ công ơn của đội hùng binh Bắc Hải năm xưa vâng lệnh vua ban, ra đi làm nhiệm vụ cắm mốc khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, buổi lễ còn còn giáo dục cho các con cháu về tình yêu quê hương đất nước và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.