Luật sư Phan Trung Hoài: Tận hiến và tấm lòng yêu thương con người

Minh Khang| 03/09/2021 08:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Trung Hoài chia sẻ luật sư không chỉ là một nghề, đó còn là hành trình tiếp cận công lý, tôn trọng sự thật khách quan với sự tận hiến và tấm lòng yêu thương con người. Ông Phan Trung Hoài dường như sinh ra để làm Luật sư khi mọi ngã rẽ cuộc đời đều tình cờ đưa ông đến nghề luật.

Luật sư Phan Trung Hoài gia nhập Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh vào năm 1989. Luật sư Hoài đã từng có thời gian làm Ủy viên Biên tập, Trưởng Ban chính trị XH Tuần báo Pháp luật TP HCM. Từ năm 1995 đến nay, Luật sư Hoài hoạt động luật sư chuyên nghiệp và là Trưởng Văn phòng luật sư Phan Trung Hoài.

1.jpg

Luật sư Phan Trung Hoài từng tham gia bào chữa trong một số vụ án hình sự lớn cho các ông Nguyễn Văn Hoàng (Tổng Giám đốc Imexco trong vụ án cháy trụ sở Imexco năm 1989), Trần Quang Vinh (Tamexco), Nguyễn Duy Lộ (Vietcombank), Liên Khui Thìn (vụ án EPCO - Minh Phụng), Nguyễn Mạnh Trung (Vụ án Năm Cam và đồng phạm), Nguyễn Gia Thiều (Công ty Đông Nam), Phạm Thanh Bình (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin), Giang Kim Đạt (Vinalines), Võ Anh Tuấn (Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như), Phạm Công Danh (Vụ án Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Đại Tín), Trần Phương Bình (Ngân hàng Đông Á), Bùi Văn Thành, Đinh La Thăng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), các vụ án liên quan đến Vũ nhôm, Mobifone – AVG,…

Nghề chọn người

Có rất nhiều thành tích ở cương vị một luật sư nhưng luật sư lại không phải sự lựa chọn đầu tiên của ông khi hướng nghiệp.

Ông Phan Trung Hoài là học sinh giỏi văn ba năm cấp 3 ở Hà Nội, nhưng khi thi vào khoa Văn ông lại được chuyển sang khoa Pháp lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1977.

2.jpg

“Ngã rẽ cuộc đời đã đưa tôi đến với nghề luật như một cơ duyên không được đoán định trước”, ông Phan Trung Hoài chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Luật quốc tế Đại học Luật Hà Nội (Khóa 2), đầu năm 1982, ông về công tác tại Sở Tư pháp TP.HCM. Chỉ 2 năm sau đó, ông lên đường nhập ngũ vào quân đội.

Sau khi xuất ngũ, xuất phát từ chuyên môn được đào tạo về tư pháp quốc tế, năm 1986, ông về công tác tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và đầu tư (Imexco), phụ trách công tác thanh tra, sau chuyển làm pháp chế, trợ lý cho Tổng Giám đốc.

3.jpg
Các bạn đồng môn Khoá 2 (Đại học Luật Hà Nội), Phan Trung Hoài cầm sổ tay.

Công việc đang thuận lợi thì bất ngờ xảy ra vụ cháy trụ sở Imexco tại số 8 Nguyễn Huệ, quận 1 và ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Imexco bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi trải qua vài phiên tòa trong thời gian tập sự, ông Phan Trung Hoài chính thức hành nghề luật sư với tư cách người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Hoàng trong vụ án kéo dài gần hai năm, được Tòa án nhân dân TPHCM xét xử sơ thẩm vào ngày 12/9/1991. Trong lần đầu tiên đóng vai trò là luật sư, ông Phan Trung Hoài đã giúp thân chủ chỉ bị tuyên mức phạt cảnh cáo.

Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử vụ cháy trụ sở Imexco, ông được mời quay trở lại Sở Tư pháp TP.HCM, nhận trách nhiệm Ủy viên biên tập, Trưởng ban Chính trị- xã hội Tuần báo Pháp luật TP.HCM, vừa hành nghề luật sư kiêm nhiệm.

4.jpg
Ông từng trải qua nhiều công việc khác nhau trước khi đến với nghề luật

“Biết bao đắn đo, day dứt, lựa chọn từ bên trong tâm khảm của mình về sự dấn thân vào nghề báo hay nghề luật sư, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định chọn để trở thành luật sư chuyên nghiệp vào đầu những năm 90”, ông Phan Trung Hoài chia sẻ về quyết định trở thành luật sư của mình.

Tận hiến và tấm lòng yêu thương con người

Vô tình “lạc bước” sang nghề luật sư, luật sư Phan Trung Hoài thấy mình trưởng thành hơn sau mỗi trải nghiệm. Hơn 30 năm làm việc trong ngành luật đã giúp ông thấm thía hơn sứ mệnh cao quý của nghề luật sư.

Ông Trung Hoài chia sẻ luật sư không chỉ là nghề cung cấp dịch vụ, mà phải tích lũy được lượng kiến thức pháp lý và xã hội đủ dày để chia sẻ được tâm trạng, hoàn cảnh của những người yếu thế, thi thoảng là những người ở “tận đáy xã hội”, phải có bản lĩnh để vượt qua biết bao chông gai, trở ngại trên hành trình tiếp cận công lý, tôn trọng sự thật khách quan với sự tận hiến và tấm lòng yêu thương con người.

Theo luật sư Trung Hoài, khi vào công việc, ông không bao giờ phân biệt khách hàng lớn nhỏ. Ông tâm sự: “Không có sự phân biệt nào giữa khách hàng lớn hay nhỏ, quan chức, đại gia, doanh nhân hay người thân cô thế cô, người nghèo không có tiền trang trải phí luật sư. Có nhiều trường hợp, có những vụ án đơn giản, thuộc trường hợp án chỉ định, mỗi luật sư đều phải làm hết trách nhiệm của mình. Niềm vui khi họ được minh oan, hay giảm thiểu mức án cũng lớn lao như những người khác.

5.jpg

Chính vì vậy đi sâu vào tâm tư khách hàng với tâm thế “tôn trọng sự thật và yêu thương con người”, luật sư Phan Trung Hoài thấy con người ở cả khoảng sáng và góc tối. Đằng sau mỗi phiên toà, trong mắt luật sư là mỗi số phận khác nhau.

Chính vì tấm lòng đó của luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Nguyễn Minh Tâm đã tặng bài thơ khi ông bào chữa hai lần Tòa tuyên trắng án cho ông Đào Quốc Túy (nguyên giám đốc DNTN Thái Hòa bị một đương sự tố cáo “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị đưa ra xét xử nhiều lần trong hơn 10 năm).

Áp lực, đe doạ, không nhụt chí

Luật sư là nghề không đơn giản. Luật sư Phan Trung Hoài chia sẻ trong quá trình hành nghề, có thể có nhiều va đập do khác biệt quan điểm, quyền lợi khách hàng đối lập nhau, thậm chí có những áp lực, đe dọa. Nhưng sau tất cả, ông vẫn không nhụt chí.

6.jpg

Nhưng điều đó không có nghĩa luật sư là không có nỗi sợ. Nỗi sợ của ông Phan Trung Hoài chính là không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của mỗi khách hàng, chưa thấu hiểu hoàn cảnh, số phận của họ. “Từ đó, mình tự đánh mất đi niềm khao khát khi hành nghề, những giá trị mà mình theo đuổi, giảm sút lòng tin trước những mặt trái của cuộc sống”, ông Phan Trung Hoài tâm sự.

Nỗi sợ lớn hơn là những hành trình tố tụng không có điểm dừng, làm tổn hao thời gian, trí lực và chi phí của người dân, doanh nghiệp.

Mỗi luật sư đều cố gắng tự trau dồi kỹ năng, bồi đắp tố chất thông qua việc tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp và ngay trong thực tiễn đời sống tố tụng. Tuy nhiên, khi tư vấn hay tham gia tố tụng, mỗi luật sư đều phải chú tâm nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, tìm hiểu các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ tranh chấp, từ đó tìm ra giải pháp pháp lý, xây dựng quan điểm bào chữa trong tranh tụng.

7.jpg

Nhiều vụ đại án liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng, có trên dưới 300 tập hồ sơ, gần triệu bút lục, nhưng bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cố gắng không bỏ sót một bút lục nào, chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch thẩm vấn và xây dựng dự thảo bài bào chữa, vào làm việc liên tục với khách hàng để có sự thống nhất cao.

Khi đối diện với một hồ sơ vụ án, với kết quả điều tra, truy tố và xét xử công khai, là người có kiến thức, kỹ năng, luật sư sẽ biết đâu là sự thật khách quan, đâu là giới hạn mà mình không thể vượt qua.

8.jpg

Do đó mới có chuyện khách hàng và luật sư không cùng chung tiếng nói, luật sư có quyền từ chối, chấm dứt hợp đồng (tất nhiên với lý do phải hoàn toàn chính đáng). Không chỉ bằng niềm tin nội tâm, chưa nói phạm trù đạo đức, chỉ thông qua kết quả điều tra, tranh tụng, luật sư nhận biết các dấu hiệu vi phạm, nên nếu nương theo yêu cầu bào chữa “bằng mọi giá”, lời bào chữa của luật sư trước Tòa liệu có thuyết phục Hội đồng xét xử, chưa nói đến dư luận xã hội?

Khi được hỏi, vậy luật sư có sức mạnh nào để bẻ cong sự thật? ông Phan Trung Hoài trả lời: “Khi hành nghề, tôi nghĩ mỗi luật sư luôn đứng trước nhu cầu rất lớn của khách hàng, kể cả mong muốn đạt được kết quả cụ thể với mức thù lao thỏa đáng, nhưng khi nhìn nhận trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, mỗi luật sư sẽ phải có sự lựa chọn con đường mà mình sẽ đi. Mình chọn cách tiếp cận thế nào thì con đường đi của mình sẽ hiện ra như thế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Phan Trung Hoài: Tận hiến và tấm lòng yêu thương con người