Luật sư nói gì về việc thân chủ của mình phải chịu “áp lực” từ ông Trần Bắc Hà?

Mạnh Hùng| 29/10/2020 14:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 29/10, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại BIDV đã bước sang ngày làm việc thứ tư, tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận.

Theo đó, tại phiên toà sáng nay, các luật sư đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, đánh giá vai trò thứ yếu của một số bị cáo, nhằm gỡ tội cho thân chủ của mình.

17815155-0d90-4afc-8a0c-42f4b8ebbee1.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), luật sư Huỳnh Phương Nam đưa những lời khai của một số bị cáo khác để chứng minh trong hoạt động giải ngân 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp bị áp lực từ ông Trần Bắc Hà và buộc phải thực hiện mặc dù biết là không đúng với quy định của BIDV.

Theo luật sư Nam, các cán bộ của BIDV không dám có ý kiến phản đối, chống lại chỉ đạo đó bởi họ đều là cấp dưới, lệ thuộc về quan hệ công tác với ông Trần Bắc Hà.

Về việc đề xuất phê duyệt phát hành L/C của Công ty Trung Dũng, luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Giáp và một số bị cáo khác đã có ý kiến về việc không chấp nhận phát hành L/C theo đề nghị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi nhận được văn bản có bút phê của ông Trần Bắc Hà, cộng với việc trước đó một cán bộ đã bị chuyển công tác do không thực hiện theo yêu cầu của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo của BIDV chi nhánh Hà Thành đã buộc phải thực hiện dù đã đều nhận thức được rằng đây là khoản vay mang tính rủi ro cao.

d7ec02e7-bdd2-4520-a9bb-2c1525ecd19e(1).jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên toà xét xử

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, mặc dù đã thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, dư nợ tại các tổ chức tín dụng lớn, có rủi ro, nhưng hai bị cáo Ngô Duy Chính và Nguyễn Xuân Giáp cùng một số bị cáo khác vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng. Toàn bộ các khoản vay, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng dẫn đến không có khả năng thanh toán hơn 601 tỷ đồng.

Trước đó, trong phần luận đội và đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt với 8 bị cáo thuộc nhóm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, các bị cáo: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (đều nguyên là Phó Tổng Giám đốc BIDV) cùng mức án từ 6 - 7 năm tù; Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 4 - 5 năm tù; Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) từ 3 - 4 năm tù; Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 7 - 8 năm tù; Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 5 - 6 năm tù; Phạm Hồng Quang (nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 4 - 5 năm tù; Đặng Thanh Nam (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành) từ 3 - 4 năm tù.

Đối với nhóm 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức xử phạt: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 12 - 13 năm tù; Đoàn Hồng Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng) từ 18 - 19 năm tù; Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) từ 13 - 14 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Công ty Hà Nam) từ 5 - 6 năm tù.

Ngoài án phạt tù, đại diện VKS còn đề nghị cấm 8 bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng BIDV hành nghề liên quan đến các hoạt động tín dụng trong thời hạn 2 - 3 năm, kể từ khi chấp hành xong án phạt tù. Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tiếp tục kê biên tài sản của ông Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng để đảm bảo thi hành án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư nói gì về việc thân chủ của mình phải chịu “áp lực” từ ông Trần Bắc Hà?