Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cấm nồng độ cồn khi lái xe trên thực tiễn đã phát huy kết quả tốt, ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Khả thi hơn so với cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 89 điều.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, đa số ý kiến nhất trí cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Về nội dung này, UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Việc cấm nồng độ cồn khi lái xe trên thực tiễn đã phát huy kết quả tốt, ngày càng đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".
“Với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn, người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định, chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó, nhất là khi bị ép uống, khó làm chủ bản thân. Quy định ngưỡng cũng sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý”, ông Tới nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định, quy định hiện hành về cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Hơn nữa, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.
Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân
Thay vì đưa 2 phương án như trước đậy, tại kỳ họp này, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định "cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", quy định tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dẫn số liệu năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Tái đề xuất trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông
Cũng theo ông Tới, tại tờ trình lần này, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Khoản trích này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
“Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3, Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1, Điều 5 dự luật”, ông Tới nói.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7.