Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Hà Ngọc| 13/09/2020 07:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai...

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong hoà giải tại Toà án tại buổi tọa đàm tổ chức tại Quảng Ninh (năm 2019)

Tăng cường hòa giải, đối thoại

Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án.

Đặc biệt, hòa giải, đối thoại dựa trên nền tảng công tác dân vận là một giải pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả, đây là kinh nghiệm của nước ta và nhiều nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nhằm nghiên cứu thực trạng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao TANDTC  nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.

Ngày 01/10/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC tổ chức thí điểm thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp của TP. Hải Phòng. Theo đó, từ tháng 3/2018 đến tháng 9/2018, TANDTC triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND các quận, huyện.

Qua 6 tháng triển khai, 10 trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 2.573 đơn khởi kiện, đã đưa ra hòa giải, đối thoại 2.399 đơn. Kết quả hòa giải, đối thoại thành công 1.827 đơn. Trong số đó có 1.606 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về tài sản chung vợ chồng và nuôi con; 159 vụ tranh chấp dân sự; 45 vụ kinh doanh thương mại; 4 vụ tranh chấp lao động; 13 vụ khiếu kiện hành chính. Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Tại Hội nghị Tổng kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC nhấn mạnh trong thời gian tới, có một số nhiệm vụ cấp bách mà hệ thống TAND cần triển khai thực hiện ngay, trong đó bao gồm: Hoàn thiện thể chế về hòa giải, đối thoại, xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019). Tại đây đã thành lập 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Bắc Ninh và  TAND TP. Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành với tổng số 21 Hòa giải viên, Đối thoại viên. Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ 78,08%. Trong đó: Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc dân sự là 53%; Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc hôn nhân và gia đình 92%; Tỷ lệ hòa giải thành vụ việc kinh doanh, thương mại: 46%; Tỷ lệ đối thoại thành khiếu kiện hành chính đạt 70%.

TAND tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện mô hình thí điểm và đã thành lập 7 trung tâm hòa giải, đối thoại. Sau hơn 5 tháng thực hiện thí điểm, 7 trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 1.425 đơn khởi kiện. Các trung tâm đã đưa ra hòa giải, đối thoại 1.206 đơn và đã hòa giải, đối thoại thành công 803 đơn, đạt 66,5%. Trong số các vụ việc hòa giải, đối thoại thành có 419 đơn về hôn nhân và gia đình; 25 đơn dân sự; 16 đơn kinh doanh thương mại; 13 đơn khiếu kiện hành chính. Nguyên tắc, quy trình hòa giải, đối thoại được thực hiện đảm bảo đúng hướng dẫn. Kết quả thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại hai cấp TAND tỉnh Quảng Ninh đã được đoàn kiểm tra TANDTC đánh giá cao.

TAND tỉnh Thái Bình qua 10 tháng triển khai thực hiện thí điểm với 05 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả khá khả quan với tổng số đơn khởi kiện Tòa án đã nhận được: 1.720 đơn. Tỷ lệ % kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số đơn thụ lý của Trung tâm: 69,5%.

Kết quả của việc thử nghiệm các Trung tâm hòa giải, đối thoại nêu trên đều thu được kết quả rất khả quan và được coi là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án; góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; đồng thời, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đảm bảo khi Luật có hiệu lực sẽ phát huy hiệu quả

Quá trình thực hiện mô hình thí điểm nêu trên cũng đang xuất hiện những điều vướng mắc cần khắc phục: Đó là tỷ lệ các vụ hòa giải thành đối với các tranh chấp về dân sự, kinh doanh thương mại chưa cao; các vụ đối thoại thành trong các khiếu kiện hành chính còn thấp… bởi các vụ việc liên quan đến dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại đều có tính chất phức tạp. Đối với án hành chính, chủ yếu liên quan đến khiếu kiện về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; đối thoại viên khi rà soát, đối chiếu các văn bản, chế độ chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng còn lúng túng, khó khăn. Kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, đối thoại của một số hòa giải viên, đối thoại viên còn hạn chế...

Trong quá trình thí điểm, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 322/KH-TANDTC ngày 10/10/2018 về việc tổ chức tập huấn quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên.

Song hành với việc TANDTC tích cực triển khai thí điểm công tác hòa giải thì việc nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế đối với lĩnh vực này là rất cần thiết. Đã có nhiều cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản mà các nhà lập pháp của chúng ta học tập, nghiên cứu. Qua đó, có thể tìm hiểu, vận dụng những vấn đề có thể áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam, nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình hòa giải. Trong đó có dự án JICA "Hài hòa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” của chuyên gia Nhật Bản về vấn đề hoà giải, đối thoại.

Điển hình, ngoài việc tạo điều kiện cho 100% Hòa giải viên, Đối thoại viên dự đầy đủ các buổi tập huấn do TANDTC tổ chức, TAND tỉnh Bắc Ninh cùng với tổ chức JICA của Nhật Bản đã tổ chức thành công hội thảo “Tăng cường kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên” góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cho các Hòa giải viên, Đối thoại viên.

Trong khuôn khổ Dự án JICA "Hài hòa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020", tại tỉnh Quảng Ninh, TANDTC đã phối hợp với Văn phòng Dự án tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Tăng cường kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên” tại hai tỉnh: Quảng Ninh và Thái Bình. Tại buổi tọa đàm, với những chia sẻ của chuyên gia Nhật Bản - quốc gia có bề dày lịch sử trong hòa giải, là kinh nghiệm quý giúp Việt Nam có thêm nhiều thông tin, nhằm từng bước hoàn thiện mô hình hòa giải.

Vào ngày 16/6 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Luật Hoà giải, Đối thoại có hiệu lực từ năm 2021.

Tại hội nghị tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng xét xử, triển khai thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là Luật do Tòa án đề xuất với Quốc hội. Thời gian qua dự án Luật đã được triển khai thí điểm ở nhiều địa phương và đã cho kết quả cao. Với sự chuẩn bị chu đáo, dự án Luật được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Đồng thời, Chánh án cũng lưu ý, thời điểm có hiệu lực của Luật vào đầu năm 2021. Theo đó, thời gian triển khai thực hiện không nhiều, trong khi có rất nhiều vấn đề đặt ra, nên chúng ta cần chuẩn bị sớm và chu đáo về mọi mặt, để đảm bảo khi Luật có hiệu lực có bộ máy vận hành.

Trong bối cảnh án lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại ngày càng tăng về số lượng; tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt thì việc hướng tới xây dựng một cách giải quyết các tranh chấp đó theo con đường hòa giải đối thoại là việc rất cần thiết, ý nghĩa.

Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc