Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay 01/01/2021. Đây là một chính sách mới, quan trọng và hết sức có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, sự ra đời của luật này không chỉ giảm lượng án tồn đọng của hệ thống Tòa án mà còn mang đến nhiều lợi ích cho người dân và xã hội.
Bước tiến mới về hoàn thiện hệ thống pháp luật
Trong những năm gần đây, hệ thống Tòa án Việt Nam gặp phải tình trạng như một số nước trên thế giới đã từng gặp, đó là “sự tắc nghẽn tại Tòa án và tiếp cận công lý”, số vụ việc Tòa án phải giải quyết đến mức quá tải, các khiếu kiện hành chính tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh.
Do thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, nên số lượng các vụ án dân sự, hành chính mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều, trong bối cảnh số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các Tòa án.
Trước khi Luật này được ban hành, tại Việt Nam, hòa giải thành và đối thoại thành mới chỉ dừng lại trong tố tụng (được quy định tại các luật về tố tụng) mà chưa có mô hình hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng tại Tòa án, nên kết quả thu được khi hòa giải, đối thoại thành đạt tỷ lệ thấp.
Với sự nỗ lực cao của Ban cán sự Đảng TANDTC, sau thời gian đề xuất, thí điểm hòa giải, đối thoại và xây dựng luật này, ngày 16/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Trước đó, tại phiên họp ngày 15/12/2017, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án, báo cáo Ban Chỉ đạo. Ngày 28/12/2017, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương có Thông báo số 03-TB/BCĐCCTPTW “Đồng ý giao cho TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, Chánh án TANDTC đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm Đề án tại thành phố Hải Phòng.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao kết quả chương trình triển khai thí điểm tại Hải Phòng. Sau khi có kết quả thí điểm thành công tại đây, TANDTC tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Thông báo số 121a-TB/BNCTW Kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ngày 20/9/2018.
Việc triển khai thí điểm đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ và kịp thời tại 16 tỉnh, thành phố. Các Hòa giải viên, Đối thoại viên nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và chuyên gia quốc tế.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố, kết quả thí điểm còn góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước đã và đang thực hiện cơ chế Hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng, nhiều nội dung đã được pháp điển hóa vào Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Luật đánh dấu bước tiến mới về quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam và hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức; có nhiều quy định tiến bộ, làm cho bất cứ ai tham gia vào lựa chọn cơ chế giải quyết khiếu kiện của mình theo Luật này đều có niềm tin tuyệt đối, không sợ bị sai, không sợ bị lừa dối hay bị bất cứ điều gì dẫn đến việc thống nhất bị sai pháp luật, không được thi hành nghiêm chỉnh, từ đó khuyến khích, thu hút các bên lựa chọn cho mình một phương thức giải quyết mâu thuẫn đem lại nhiều lợi ích tối đa nhất hiện nay.
Mang đến nhiều lợi ích cho người dân
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2021, hệ thống pháp luật của Việt Nam có thêm một hình thức giải quyết những khiếu kiện hành chính mới theo trình tự, thủ tục của Luật Hòa giải, đối thoại quy định.
Qua công tác nghiên cứu và đánh giá kết quả hòa giải trên thế giới cũng như đối thoại thành trong nước cho thấy, hòa giải và đối thoại có nhiều điểm tương đồng và mang lại nhiều ý nghĩa cho người dân và xã hội, có thể kể đến những ý nghĩa cơ bản và quan trọng nhất được các chuyên gia đúc rút dưới đây:
Chuyên gia Ấn Độ cho biết ý nghĩa của hòa giải: “Năm 1999, Quốc hội Ấn Độ ban hành Luật sửa đổi BLTTDS, qui định việc chuyển các vụ việc Tòa án đang xem xét sang các kênh giải quyết tranh chấp lựa chọn, bao gồm cả hòa giải. Sửa đổi này có hiệu lực từ 01/7/2002…Hòa giải bắt buộc thông qua Tòa án đến nay đã trở thành một qui định pháp lý. Trung tâm hòa giải và thương lượng gắn liền với Tòa án được thành lập ở nhiều tòa án tại Ấn Độ và Tòa án bắt đầu chuyển nhiều vụ việc đến các trung tâm này…Trong hòa giải gắn liền với Tòa án, Tòa án là thiết chế trung tâm giải quyết tranh chấp. Khi Tòa án giám sát thủ tục giải quyết tranh chấp lựa chọn, ít nhất là với những vụ án được Tòa án chuyển đến, nỗ lực thực thi công lý được điều phối rất tốt.
Dịch vụ giải quyết tranh chấp lựa chọn, dưới sự kiểm soát, hướng dẫn và giám sát của Tòa án sẽ có tính chính thống hơn và được chấp nhận dễ dàng hơn. Nó bảo đảm cảm giác rằng hòa giải là qui trình bổ sung, chứ không cạnh tranh với hệ thống Tòa án.
Hệ thống sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực và tự nguyện hơn từ các Thẩm phán, những người chấp nhận Hòa giải viên như là một phần nội tại trong hệ thống. Nếu Thẩm phán chuyển vụ việc sang hòa giải gắn liền với Tòa án, quy trình hòa giải sẽ nhanh chóng và hài hòa hơn. Nó cũng giúp cho việc chuyển vụ việc giữa Tòa án và Hòa giải viên nhanh chóng hơn. Như vậy, hòa giải gắn liền với Tòa án sẽ mang lại một công cụ bổ sung cũng của hệ thống đó cho tính liên tục của qui trình, và trên tất cả, Tòa án vẫn giữ vai trò thiết chế trung tâm của toàn hệ thống. Nó cũng giúp thiết lập quan hệ đối tác công-tư giữa Tòa án và cộng đồng. Một cảm giác chung là Tòa án luôn đồng hành với cơ quan hòa giải sẽ đem lại thỏa thuận giải quyết nhanh chóng hơn, các bên thấy thoải mái hơn…”.
Chuyên gia Mỹ nhận định rằng: “... Trong bất kỳ xã hội nào, đặc biệt là khi việc sử dụng hệ thống pháp luật rất tốn kém (về tiền bạc, về thời gian, độ không chắc chắn cho thi hành án...), nhiều tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án không được đưa ra trước Tòa...khi chi phí giảm hoặc dịch vụ giải quyết xung đột tốt hơn, một số đáng kể các bên tranh chấp, sẽ tham vấn Luật sư, nên không khởi kiện...giá trị bằng tiền của, thời gian làm giảm đáng kể giá trị thực tế của tranh chấp khởi kiện tại Tòa án”;
Đồng thời nhấn mạnh: “Trong hàng triệu tranh chấp xảy ra hàng ngày, thì chỉ có một số nhỏ được đưa ra Tòa án và trong số nhỏ đó thì chỉ có số nhỏ được xét xử...Mặc dù trong tố tụng là việc giải quyết có tính dân sự đối với tranh chấp, nhưng không phải mọi tranh chấp đều phải được xét xử. Bây giờ là lúc chúng ta đi giải quyết tranh chấp một cách ít tốn kém hơn, ít rủi ro hơn khi có thể và khi mà có thể tránh được việc mở phiên tòa, hòa giải là bước tiếp theo...”.
Bên cạnh ý nghĩa chung như hòa giải thành, đối thoại thành còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng và có giá trị to lớn hơn, đem lại vô cùng nhiều lợi ích hợp pháp cho toàn xã hội nói chung, cho các bên cũng như Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng. Làm cho các bên mãn nguyện nên không có tiếp tục khiếu kiện bức xúc kéo dài, từ đó giải quyết được nhiều mối quan hệ mật thiết giữa người dân và cơ quan công quyền...không gây sức ép nặng nề về tâm lý cho các Thẩm phán khi phải trực tiếp xét xử các vụ án hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án giảm đáng kể gánh nặng cho các cơ quan hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết các loại vụ án của Tòa án.
Ngoài ra, đối thoại thành còn góp phần lớn vào việc làm ổn định tình hình chính trị tại địa phương và trung ương, góp phần giảm thiểu sức ép công việc cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính; Các quyết định công nhận đối thoại thành đều được các đương sự tự nguyện thi hành, nên kết quả thi hành trong trường hợp này rất nhanh chóng, không bao giờ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành;
Đối thoại thành tạo điều kiện cho người bị kiện (các cơ quan hành chính) có cơ hội xem xét lại tính hợp pháp của quyết định/hành vi hành chính mà họ ban hành, hoặc thực hiện, đồng thời cũng có dịp để bên khởi kiện xem xét lại tính có căn cứ của yêu cầu khởi kiện, trên cơ sở đó giúp họ có thêm thông tin để đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác về các vấn đề khởi kiện và những vấn đề tương tự sẽ xảy ra.
Thực tiễn đã chứng minh, nếu việc giải quyết các vụ án hành chính được thực hiện đúng qui định của pháp luật, thì kết quả giải quyết đó không những bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của Nhà nước và của cá nhân, cơ quan tổ chức liên quan, mà còn tác động rất lớn đến ý thức tuân thủ pháp luật của người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, hình thành ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân, trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thông qua đó giúp người dân thực sự, thực hiện được nội dung kiểm soát quyền lực hành chính Nhà nước, thúc đẩy công cuộc cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Cuối cùng, chúng ta khó có thể tính hết được hiệu quả to lớn như thế nào, khi đối thoại thành khiếu kiện hành chính, ngoài lợi ích vật chất, còn đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích về tinh thần cho toàn xã hội nói chung, cho những người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, và cho các bên tham gia nói riêng.