Chính trị

Luật hóa các quy định trong xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng

Mai Thoa 05/06/2023 - 10:42

Sáng 5/6, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi).

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

050620230838-z4404939143109_6a984e81c07f43d06980b13f51d36830.jpg
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình Quốc hội dự án Luật các  TCTD (sửa đổi) trong phiên họp sáng nay 5/6.

Việc xây dựng dự án Luật các TCTD (sửa đổi) nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện tại; tăng cường phòng ngừa rủi ro, năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD.

Đặc biệt, việc sửa luật cũng nhằm phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng hướng đến bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, bên cạnh việc kế thừa các quy định của luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; bổ sung thêm đối tượng áp dụng là tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán xử lý nợ.

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD như tăng cường trách nhiệm của thành viên HĐQT, sửa đổi, bổ sung các quy định về thành viên Hội đồng quản trị độc lập để tách bạch chức năng quản trị, điều hành cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ; mở rộng nguồn nhân lực cho vị trí thành viên HĐQT độc lập; bổ sung quy định xử lý việc khuyết người đại diện theo pháp luật, sửa đổi, bổ sung các quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập;…

050620230834-cqh_7297.jpg

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với mục tiêu tạo điều kiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp tín dụng, trong đó đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cho vay tiêu dùng, các khoản cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; tạo lập hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng...

Và để đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định điều chỉnh giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm tăng cường tính đại chúng trong hoạt động của TCTD.

Ngoài ra, về vấn đề tài chính, hạch toán, báo cáo, bên cạnh việc kế thừa các quy định hiện hành…, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng luật hóa một số nội dung đã được áp dụng ổn định, lâu dài như: Quy định về kiểm toán nội bộ, về kiểm toán độc lập, về việc trích lập dự phòng rủi ro; về quản lý tài chính, sử dụng vốn, doanh thu, chi phí; về trích lập và sử dụng các quỹ; Mua, đầu tư vào tài sản cố định...

Thẩm tra nội dung này, UBKT tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) với các lý do trên. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định.

Về một số nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra cho rằng, quá trình thẩm tra nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, rà soát mở rộng đối tượng để thúc đẩy thị trường mua, bán nợ công khai, minh bạch, phát triển hiệu quả, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng là “các công ty công nghệ tài chính”.

Cơ quan thẩm tra cũng có các ý kiến đánh giá cụ thể liên quan đến các nội dung như, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo; vấn đề tài chính, hạch toán báo cáo của các TCTD; nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với TCTD…

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa các quy định trong xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng