Đứng trước nguy cơ ngọn núi cao phía sau lưng có khả năng “ngoạm” các cơ quan trong khu Trung tâm hành chính huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), UBND huyện đã quyết định bổ sung thêm 10 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở trước mùa mưa bão đang đến gần.
Trước tình trạng sạt lở núi nghiêm trọng ảnh hưởng đến khu vực trung tâm hành chính và nhà công vụ, huyện Sơn Tây đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè chống sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, người lao động và hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, nhất là khi mùa mưa bão năm 2018 đang đến gần.
Ngọn núi cao phía sau đang sạt lở chỉ cách các trụ sở cơ quan khoảng vài chục mét.
Những đợt mưa lũ liên tiếp kéo dài trong năm 2016 và 2017, đã khiến ngọn núi phía sau lưng của các cơ quan như: Liên đoàn Lao động huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Nhà công vụ tại Khu vực Trung tâm hành chính huyện Sơn Tây (nằm ở xã Sơn Mùa) bị sạt lở nghiêm trọng.
Hơn 500m bờ kè bảo vệ, rãnh bê tông thoát nước bị cuốn trôi, đất đá vùi lấp. Nhiều khu vực, vị trí sạt lở núi chỉ cách các cơ quan hành chính từ 50 đến 100m, nguy hiểm nhất là Liên đoàn Lao động và Trạm khuyến nông huyện Sơn Tây cách vị trí sạt lở chưa đến 30m.
Tình trạng sạt lở núi xảy ra đã kéo theo hàng trăm khối đất, đá tràn xuống không chỉ gây hư hỏng cơ sở vật chất các cơ quan nằm phía dưới mà còn khiến cho các cán bộ, công chức và người lao động đang làm việc tại nơi đây lo lắng có thể sạt lở bất cứ lúc nào, nhất là mỗi khi mưa lớn kéo dài.
Các cơ quan Liên đoàn Lao động, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Nhà công vụ tại Khu vực Trung tâm hành chính huyện Sơn Tây được xây dựng dưới chân ngọn núi.
Trước tình trạng sạt lở này, UBND huyện Sơn Tây đã ký quyết định bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2017 cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện để thực hiện đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở các cơ quan khu vực trung tâm hành chính huyện, nhằm đảm bảo an toàn khu vực các cơ quan hành chính huyện và nhà công vụ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sơn Tây, Trần Minh Tuấn cho biết: "Để khắc phục tình trạng sạt lở tại khu vực này, trước mắt chúng tôi tiến hành gia cố bằng rọ đá với chiều dài 164m để giữ chân và đây cũng là phương án ưu việt nhất lúc này, cùng với đó là bạt mái taluy giảm tải với chiều dài khoảng hơn 200m. Theo dự kiến đến tháng 10/2018 sẽ hoàn thành xong, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho người và cơ sở vật chất, công trình xây dựng ở khu vực này trong mùa mưa bão".
Hiện huyện Sơn Tây đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kè chống sạt lở trước mùa mưa bão 2018.
“Để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, chúng tôi đang khẩn trương đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay, giúp cán bộ, người lao động làm việc trong các cơ quan này yên tâm công tác” ông Tuấn cho hay.
Một vấn đề dư luận quan tâm, đó là việc huyện Sơn Tây bỏ ra thêm hàng tỷ đồng để khắc phục có thật sự bảo đảm an toàn, vì khu vực này được đánh giá là có chân đất yếu, trong khi tình trạng sạt lở này vẫn thường xuyên xảy ra.
Bởi cũng theo ông Tuấn “Với số tiền như thế để làm đường hay xây nhà thì rất kiên cố, nhưng kè thì mang tính 2 mặt, được ăn cả ngã về không nên chúng tôi cũng rất lo lắng bởi vùng đất này có chân đất yếu".