Lo ngại "sốt đất" quay trở lại

Trang Nhi| 09/12/2021 15:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khả năng có đợt "sốt đất" rất cao do nhu cầu đầu tư của người dân lớn, trong khi thị trường lại khan hiếm nguồn cung.

Thời điểm này, nhiều các nhà đầu tư đang "tràn về" vùng ngoại thành Hà Nội và các tỉnh thành lân cận để săn đất nền, giá đất cũng tăng lên một cách bất thường.

sot-dat-do-thieu-nguon-cung-1.jpg
Lo ngại "sốt đất" quay trở lại.

Như ở Quảng Trị, sau một thời gian đìu hiu vì dịch bệnh COVID-19, cơn "sốt đất" bất ngờ quay lại từ giữa tháng 11 khi có thông tin tập đoàn bất động sản trúng đấu giá khu đất 132.415 m2 ở Đông Lương, TP Đông Hà. "Ăn theo" dự án, giá đất ở quanh khu vực này tăng phi mã.

Ở Bắc Giang, các phiên đấu giá đất được tổ chức liên tiếp, nhà đầu tư từ các nơi ùn ùn đổ về. Các phiên "chợ đất" được diễn ra sôi động, chênh lệch cả trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Hay ngay Hà Nội, các phiên đấu giá đất gần đây luôn trong tình trạng "sốt nóng". Mới đây, 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng được hàng trăm đầu tư chú ý mặc dù mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

"Các dự án vướng mắc đều đang án binh bất động, cực kỳ ít dự án mới ra. Trong khi đó nhu cầu đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư tận dụng tình thế này, nhiều sản phẩm bất động sản ra đời không đi theo chủ trương quy hoạch phát triển nào cả", ông Đính lo ngại.

Dẫn chứng về lo ngại trên, ông Đính cho biết, ở một số huyện vùng ven của Hà Nội như: Thạch Thất, Ba Vì... với những hiện tượng về phân lô bán nền diễn ra khá phức tạp. Một nhóm hoặc một cá nhân đứng ra gom sổ (ở khu vực nông thôn, nhiều hộ được phân cho mấy trăm m2 đất ở với mấy nghìn đất vườn), sau đó chia lô. Theo ông, pháp luật không cấm nhưng lại không phù hợp với quy hoạch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Ngoài ra, vừa qua có tình trạng dự án san đồi, san ruộng vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên quốc gia, gây bất ổn địa phương, giá trị đất đai tăng đột biến, không có lợi cho sự phát triển kinh tế khác.

Về giải pháp xử lý căn cơ, vị chuyên gia này cho rằng, không còn cách nào là tháo gỡ ách tắc, vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.

sot-dat-do-thieu-nguon-cung-2.jpg
Diễn biến thị trường hiện nay là hệ quả của tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường.

Còn về giải pháp trước mắt để xử lý cơn sốt đất đang "đe dọa" thị trường, các địa phương sẽ cần sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm.

Đối với nhà, các nhà đầu tư cần lưu ý đến các vấn đề như pháp lý, quy hoạch. Bất động sản không phù hợp với quy hoạch, không phù hợp sự phát triển chung đều có thể dẫn đến rủi ro, bởi địa phương có thể điều tiết chính sách, không hỗ trợ cho việc chia tách sổ. Còn nếu không phù hợp quy định pháp luật thì sẽ bị thu hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại "sốt đất" quay trở lại