Linh thiêng nghi lễ đêm Giao thừa

Khôi Anh| 25/01/2020 07:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đêm Giao thừa khoảng thời gian thiêng liêng khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ.

Đêm Giao thừa khoảng thời gian thiêng liêng khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ. Vào thời khắc ấy, tất cả mọi âu lo tan biến, bận rộn đều được gác lại để chào đón một năm mới với nhiều hy vọng.

Linh thiêng nghi lễ đêm Giao thừa

Đoàn lễ rước trong lễ hội ở làng Đa Sỹ, Hà Đông

Lễ Trừ tịch bắt nguồn từ đâu?

Trong tâm thức của người Việt, thời khắc giao thừa dường như ẩn chứa một sức mạnh tâm linh kỳ bí, mà trải qua thời khắc đó, người ta đều tin rằng có một điều sẽ đổi thay, mới mẻ.

Lễ Trừ tịch đêm Giao thừa hay còn gọi là lễ cúng Giao thừa được tổ chức khi các “quan nhà trời” chuyển giao lại nhiệm vụ, diễn ra vào đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới…

Với quan niệm như thế, người xưa làm lễ rất cẩn trọng. Đúng lúc nửa đêm, quan cũ giao lại công việc, quan mới tiếp nhận. Vào thời điểm này, mọi gia đình đều bày cỗ ra ngoài trời để cúng hai đoàn các quan. Ngày xưa, thậm chí các vị chức sắc ở thôn, xã cũng phải thiết lập hương án chào lạy các quan trời ở nơi trung thiên, ở sân đình, ở văn chỉ, vàng hương, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà; tế lễ trọng thể với trống chiêng vang dậy đêm khuya.

Lễ trừ tịch đêm giao thừa được cử hành vào giờ Tý (từ 23 giờ đến 1 giờ) của đêm Giao thừa. Đây là khoảnh khắc bao hàm trong nó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới. Vào thời khắc linh thiêng ấy, mọi người thành tâm khấn nguyện, mong cầu một năm mới bình an. Người ta tin rằng mọi điềm xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng một Tết.

Ngày nay, ý nghĩa của lễ Trừ tịch đêm Giao thừa ít nhiều bị hiểu khác đi hoặc chưa thật hiểu hết. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng lễ cúng giao thừa từ thôn quê đến thành thị vẫn được lưu giữ. Không chỉ là vấn đề tâm linh mà đó còn là nét đẹp trong văn hóa cội nguồn dân tộc. Khi trời đất, vạn vật bước vào một "tiết" mới, dường như con người cũng đang đứng trước những vận hội mới. Năm nào cũng có giao thừa nhưng mọi người ai cũng trông ngóng, xốn xang vì thời khắc chuyển giao đặc biệt ấy.

Tục lệ “lạ” sau lễ Trừ tịch

Ở làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), một ngôi làng cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, có một tục lệ “lạ” mà hầu như không ở đâu có, đó là lễ hội động thổ hay còn gọi là tục “đánh thức trời đất”. Lễ này diễn ra sau Lễ Trừ tịch, được tiến hành vào đầu giờ Dần (lúc 3 giờ sáng) ngày mùng một Tết Nguyên đán.

Linh thiêng nghi lễ đêm Giao thừa

Lễ động thổ hàng năm ở Đa Sỹ không phải là lễ động thổ đào đất khởi công xây dựng mà là Lễ hội rung động cả đất trời, khởi động cả không gian và thời gian, để mở đầu  ngày Nguyên đán đầu năm mới.

Theo những cụ cao niên trong làng: Người dân làng Đa Sỹ tin rằng, nghi thức lễ động thổ giúp khởi động thời gian, mở cửa không gian, hấp thụ linh khí đất trời trong năm mới. Điều này sẽ giúp người dân trong làng có được sức khỏe, may mắn và nhiều niềm vui. Nhiều người cũng tin rằng, do thực hiện nghi lễ vào đúng thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, con người cũng nhờ đó mà hấp thụ được linh khí của trời đất nên làng Đa Sỹ mới sản sinh ra nhiều tuấn kiệt đến như vậy.

Cụ Hoàng Thế Xương, một người nghiên cứu về lịch sử và phong tục, tập quán của làng Đa Sỹ cho biết: Chương trình Lễ rước động thổ gồm 3 phần, gồm: Khởi 3 hồi chiêng - trống động thổ; Rước động thổ từ đình về miếu; Lễ động thổ tại miếu, kết thúc vào cuối giờ Dần (tức 5 giờ sáng).

Trước khi lễ động thổ diễn ra, tại sân Đình người ta xếp đặt các đồ nghi lễ như Long đình, chiêng, trống, cờ ngũ phương, các đồ nghi trượng vũ khí (đao, thương, kiếm, kích…). Các thành phần bắt buộc có mặt để hành lễ gồm: Ông cai đám (được coi như con trai trưởng của Thành Hoàng làng), ông Khởi chỉ, quan viên đại lược chiêng trống, giai hương, các vị chấp sự, các vị chức dịch trong làng (khoảng trên 100 vị) tề tựu đầy đủ.

Đúng giờ Dần ngày mùng một Tết, ông Cai đám sau khi làm lễ kính cáo Thổ Thần, đứng khâm trực trước Long đình. Ông Khởi chỉ trong bộ áo dài the, quần trắng ống sớ, đầu đội khăn xếp, ngang lưng thắt đai lụa đỏ bỏ múi bên trái, chân tay đi tất trắng, trang trọng từ trong đình bước ra ngoài thềm, tay trái cầm trống khẩu buộc dải lụa đỏ, tay phải cầm dùi trống đều ôm sát ngực. Hai ông Đại lược đứng ở vị trí cạnh chiêng và trống cái dưới sân đình, cách thềm độ mươi bước. Lúc này ông Khởi chỉ dõng dạc, chân trái bước lên một bước theo hướng bàn chân, tay trái đưa cái trống khẩu lên ngang mặt, tay phải cầm dùi múa một vòng theo nghi  thức rồi đánh vào giữa mặt trống, một tiếng đanh chắc khiến tất thảy ai nấy đều yên lặng, đợi chờ. Thanh âm của tiếng trống khẩu đã “ném” vào thinh không, giống như hòn sỏi ném vào mặt nước, đã bắt đầu tạo ra một nguồn dao động sóng. Khi ông Khởi chỉ trở lại tư thế ban đầu, thì quan viên Đại lược bên chiêng liền cúi xuống vung dùi theo nghi thức đấm một cái vào núm chiêng. Tiếng chiêng trỗi dậy, đầy ắp, trầm hùng cuồn cuộn sóng xô tràn khắp sân Đình, lan mãi ra ngoài xa. Quan viên đánh trống sấm bước chân phải lên một bước, tay phải cầm dùi, múa một vòng theo nghi thức rồi đánh vào giữa mặt trống. Tiếng “tùng” rền vang, rung chuyển đất trời, chim muông vụt bay ra khỏi các vòm cây cao, côn trùng im hẳn tiếng rền rĩ. Cả sân đình trào lên hào khí thiêng liêng của giây phút rền vang động thổ.

Cứ thế, cứ thế, đủ 36 tiếng khởi chỉ và 36 cặp tiếng chiêng - trống sấm đổ hồi. Hết hồi thứ nhất, tiếp hồi thứ hai và sau cùng là hồi thứ ba. Sau ba hồi là ba tiếng kết thúc của mỗi âm thanh. Tổng cộng đủ 333 tiếng rền vang “chinh- cổ”. Suốt nửa đầu giờ Dần, 3 hồi chiêng trống Động thổ đã xé tan màn đêm tịch mịch, đã thức tỉnh khắp dân làng, tận cùng ngõ xóm. Sau 3 hồi Động thổ, đất trời thực sự như đã bắt đầu chuyển thục khí huề phong, khởi sắc Xuân thiên thời địa lợi và thời gian đã sang nửa sau giờ Dần.

Sau khi nghi lễ đánh trống, chiêng kết thúc, nghi lễ hấp thụ linh khí đất trời cũng bắt đầu. Và nghi thức rước động thổ từ đình về miếu bắt đầu diễn ra.

Lễ rước bắt dầu diễn ra, đi khỏi cửa Đình về tới miếu. Long đình và các Lộ bộ nghi trượng vũ khí được an vị tại sân trước Miếu. Hương án đã được thiết lập ngoài sân, quay về phương trời mà năm đó được Đại lợi để nghênh Đức tôn thần.

Nghi lễ rước động thổ vừa xong thì giờ Dần cũng kết thúc. Dân làng bắt đầu thực hiện nghi lễ nguyên đán (nghi lễ lấy lộc). Lễ vật của dân làng dâng hiến cũng được tập trung lại. Cả làng tụ họp ăn uống để hưởng lộc đầu năm cũng như hưởng linh khí trời đất.

Giây phút giao thừa luôn là thời khắc thiêng liêng, bởi đó là lúc để dẹp đi những bộn bề năm cũ và mở rộng lòng mình, đón nhận những hạt mầm mùa xuân gieo xuống với những hy vọng tốt tươi. Những nghi lễ đêm Giao thừa, dù có biến đổi đi nữa, đó vẫn là những phong tục mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn cao đẹp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Linh thiêng nghi lễ đêm Giao thừa