Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel đã được ứng dụng tại Việt Nam

Thảo Nguyên| 05/10/2018 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công trình nghiên cứu sử dụng liệu pháp miễn dịch chống một số bệnh ung thư được tặng được giải Nobel y học 2018 đã được ứng dụng ở Việt Nam.

Giải Nobel Y sinh học 2018 đã vinh danh hai nhà khoa học James P.Allison và Tasuku Honjo vì những nghiên cứu đột phá với liệu pháp miễn dịch dùng trong chữa trị một số bệnh ung thư. GS Mỹ James P Allison(người phát hiện ra CTLA4) và đồng nghiệp Nhật Bản - GS Tasuku Honjo (người phát hiện ra PD1).
  
Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Cụ thể, kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới. Các thuốc trên có vai trò hoạt hoá và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể tấn công các tế bào ung thư.

Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel đã được ứng dụng tại Việt Nam

Nhà khoa học Tasuku Honjo (ảnh bên trái) và nhà khoa học James P. Allison (ảnh bên phải) đã được trao Giải thưởng Nobel Y học năm 2018

Tại Việt Nam, GS Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, người học trò Việt Nam đầu tiên của GS Honjo - đã cùng cộng sự tại ĐH Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh trên là tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10-30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỉ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một liệu trình điều trị gồm 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần. 

Theo GS Văn, sau hơn 2 năm triển khai tại Trường ĐH Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng điều trị cho 5 hình thái ung thư: phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao.

“Chúng tôi đang tiếp tục có các đánh giá về hiệu quả lâu dài của liệu pháp này, nhưng với kết quả ghi nhận được trong thời gian qua là khả quan”, GS Văn cho biết.

Tuy nhiên GS Văn lưu ý, phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu là phương pháp điều trị hỗ trợ, dùng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác. Ở giai đoạn sớm, vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị đích.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân đang chờ để được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên GS Văn cho biết, sẽ cần thêm hơn 1 năm nữa để kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo lên Hội đồng Y đức và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới xem xét, quyết định có được áp dụng rộng rãi hay không.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu pháp điều trị ung thư đạt giải Nobel đã được ứng dụng tại Việt Nam