Khi pháp luật chưa đủ sức răn đe, người tiêu dùng vẫn phải đánh cược sức khỏe mỗi ngày giữa “ma trận” sữa giả.
Đường dây sản xuất sữa giả với hàng trăm nhãn hiệu, doanh thu lên tới nửa nghìn tỷ đồng bị triệt phá sau 4 năm hoạt động cho thấy một thực tế đáng lo: thị trường thực phẩm dinh dưỡng đang tồn tại những khoảng trống nguy hiểm trong quản lý. Khi luật pháp chưa đủ mạnh và cơ chế giám sát còn chồng chéo, người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ em và người bệnh – đang phải đánh cược sức khỏe của mình mỗi ngày.
Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế vững vàng, sinh sống ở các đô thị lớn để có thể mua được những sản phẩm sữa có chất lượng tại những địa chỉ đáng tin cậy. Ở quê, vùng sâu vùng xa, nhiều gia đình vẫn phải mua những loại sữa không rõ nguồn gốc, giá rẻ và tiềm ẩn nguy cơ hàng giả.
Sữa cho trẻ sơ sinh, người bệnh, bà bầu… lẽ ra cần được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt thì lại bị làm giả tràn lan, như vụ việc vừa được Bộ Công an công bố: đường dây sản xuất sữa giả với 573 nhãn hiệu, doanh thu gần 500 tỷ đồng, hoạt động trót lọt trong suốt 4 năm.
Theo cơ quan Công an, các sản phẩm được xác định có hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70% so với công bố – đủ căn cứ để xác định là hàng giả. Câu hỏi đặt ra là: cơ chế nào bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh, khỏi những hiểm họa ấy?
Trong khi nhiều quốc gia đã bổ sung tình tiết tăng nặng nếu vi phạm liên quan đến nhóm yếu thế, thì Điều 193 Bộ luật Hình sự Việt Nam vẫn chưa xem việc sản xuất, buôn bán thực phẩm cho nhóm này là tình tiết tăng nặng. Việc bổ sung là cần thiết để có cơ sở pháp lý bảo vệ nhóm dễ tổn thương.
Ngoài ra, vấn đề nằm ở sự chồng chéo trong quản lý. Các sản phẩm sữa bổ sung vi chất thuộc Bộ Y tế quản lý, nhưng lại thiếu nhân lực và hành lang pháp lý để giám sát lưu thông. Trong khi đó, Bộ Công thương quản lý sữa thông thường. Kẽ hở pháp lý khiến người tiêu dùng phải tự bảo vệ sức khỏe mình mà không có sự hỗ trợ đáng kể từ các cơ quan chức năng.
Giải pháp là cần một đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm – có thể là Bộ Công thương – còn Bộ Y tế đảm nhiệm chuyên môn. Luật cũng cần khuyến khích người dân được quyền chủ động kiểm nghiệm thực phẩm, bởi với hàng nghìn nhãn hiệu trôi nổi, cơ quan quản lý khó thể kiểm soát kịp thời.
Thêm vào đó, cần bổ sung yếu tố sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử làm phương tiện vi phạm, để xử lý nghiêm minh hơn những hành vi quảng cáo và phân phối sữa giả trên không gian mạng.
Trẻ em, phụ nữ có thai, người già… rất khó để chọn lựa chính xác những sản phẩm sữa hộp đạt chuẩn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải tạo ra một thị trường an toàn, minh bạch và nghiêm khắc với những hành vi gian dối.
Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, một công cụ pháp lý được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả thực phẩm giả, không an toàn.