Sức khỏe

Sản xuất hàng giả, hậu quả khôn lường

Minh Hoàng 14/04/2025 06:45

Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Mặc dù, biết trước những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra nhưng vì lòng tham và cơ hội kiếm lợi nhuận lớn, nhiều đối tượng vẫn sản xuất và buôn bán hàng giả.

Mới đây, một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng chủ mưu cầm đầu là Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định: Từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (gọi chung là sữa bột) tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Các thành phần công bố sản phẩm như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.

sua-gia.jpeg
Hàng trăm loại sữa đã được đường dây này sản xuất, bán ra thị trường thu lời bất chính gần 500 tỷ đồng. (Ảnh: CAND)

Ngoài hai công ty được lập để tổ chức sản xuất các sản phẩm sữa bột giả nói trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty với mục đích để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm (nhãn thương hiệu sản phẩm) và trực tiếp kinh doanh, phân phối tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy của Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Trước đó, sau khi nhận được tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt được quảng cáo sai sự thật về chất lượng trên các nền tảng mạng xã hội, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk, Công an TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xác minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, quảng bá kẹo Kera của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt trên nền tảng mạng xã hội.

Ngày 03/4/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng" quy định tại Điều 193, 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt và một số công ty, xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk. Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra mở rộng vụ án, làm rõ toàn bộ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam, nếu quy trình sản xuất, đóng gói không khép kín và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sữa hoặc các sản phẩm thực phẩm chức năng khác rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc khiến người sử dụng gặp các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc

Về mặt hàm lượng dinh dưỡng, những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp nhưng thực tế không có trong sản phẩm.

Điều này khiến người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa và kẹo, bỏ qua việc bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác. Do đó, khi sử dụng những loại thực phẩm này, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất hàng giả, hậu quả khôn lường