Điểm cầu TP Hà Nội tại sân khấu đa năng, Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Thành phần đại biểu tham dự lễ tưởng niệm gồm đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội TP Hà Nội; đại diện một số tổ chức tôn giáo; đại diện các đơn vị, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hà Nội; đại diện thân nhân, gia đình đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.
Người tham gia lễ tưởng niệm đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như sát khuẩn tay, đo nhiệt độ; sử dụng khẩu trang màu đen, ghế ngồi phủ màu đen.
Kể từ khi càn quét Ấn Độ rồi lan rộng ra toàn cầu, biến thể Delta đặt thế giới trước những thách thức rất lớn. Cuối tháng 4 năm nay, dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, rồi sau đó là TP HCM và nhiều tỉnh thành khác. Toàn quốc căng mình chống dịch, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tất cả vì sự an toàn và tính mạng của người dân.
Nhưng đại dịch đã để lại những sự mất mát đến tận cùng. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 23.000 ca tử vong do mắc COVID-19.
Lễ tưởng niệm được tổ chức nhằm tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19 là hoạt động đầy ý nghĩa để an ủi cho những mất mát, đau thương trong đại dịch. Trên cả nước, hàng chục ngàn gia đình mất đi người thân yêu, hàng nghìn trẻ em mồ côi cha, mẹ.
Đây là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng của mỗi người, và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá dịch bệnh đã lây lan cho hơn một triệu người, cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào.
Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc ‘nhắm mắt xuôi tay’ không có người thân ở bên cạnh, không lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người đại dịch đã cướp đi cả cha mẹ, người ruột thịt. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời.
Đại dịch khiến hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ mất cha mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi day dứt trong lòng người thân và đồng đội.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ và kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào ta ở nước ngoài đã tử vong và hy sinh vì dịch bệnh. Nguyện cầu cho các linh hồn được siêu thoát; dịch bệnh COVID-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nguyện.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng. Mọi nhà, mọi người chủ động, tự giác thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.
Tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại TP HCM cũng như ở TP Hà Nội lần lượt thực hiện nghi thức dâng hương, hoa tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Các đại biểu dự lễ cũng lần lượt dâng hương, hoa và nến tưởng niệm đồng bào.
Bên cạnh đó, tại nhiều nơi ở TP HCM và TP Hà Nội đồng loạt diễn ra các hoạt động thắp nến, dâng hương, thả đèn hoa đăng.
Những nén tâm nhang, hoa đăng… như để cầu mong cho vong linh những người đã mất vì dịch bệnh được siêu thoát, và cũng để nhắc nhớ mỗi chúng ta không quên nỗi đau trong đại dịch.
Khó kể hết những hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu chống dịch, biết bao ngày đêm chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh COVID-19 của đội ngũ thầy thuốc, những thanh niên tình nguyện, cán bộ chiến sỹ công an, quân đội đã gác lại hạnh phúc riêng tư… để lao vào tâm dịch với quyết tâm cùng chiến thắng dịch bệnh.
Sự hi sinh của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi đó sẽ là động lực để tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết của người dân Việt Nam phát huy cao độ với mục tiêu chiến thắng dịch bệnh.